Chủ tịch phường phải chịu trách nhiệm quán nhậu tràn ra đường

Trong tuần qua, thông tin về những quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng, đoạn qua quận Gò Vấp tổ chức kinh doanh tràn ra lề đường gây bát nháo cả khu vực.

Đặc biệt, các quán này có DJ phối nhạc, mở âm thanh đinh tai nhức óc thâu đêm, nhân viên tràn ra đường bắt khách gây mất trật tự nhưng suốt thời gian dài các cơ quan chức năng chậm xử lý.

Chính quyền địa phương không thể không biết

Bạn đọc Phạm Hùng bình luận: “Nguyên nhân vì sao loại hình này thoải mái bùng nổ thì cần chất vấn lãnh đạo phường, quận để quy trách nhiệm. Tôi là người dân ở khu vực này, rất nhiều lần đã phản ánh lên tổng đài 1022, kể cả gọi trực tiếp cho công an phường, quận nhưng không có phản hồi.

Chẳng những tình trạng này không được xử lý mà các quán xá ở đây ngày càng bành trướng khiến người dân rất bất bình”.

“Không cần phải là người dân sống ở đây mà chỉ cần chạy xe ngang khu vực này thôi cũng thấy nó khủng khiếp như thế nào. Buôn bán lấn chiếm, tiếng nhạc ầm ĩ làm bát nháo cả khu vực, vậy mà chính quyền không biết để xử lý thật khó tin.

Người buôn bán bình thường cứ kê bàn ở lề đường 5 phút thôi là ngay lập tức cán bộ phường xuống nhắc nhở ngay. Vậy mà những quán nhậu ở đường Phạm Văn Đồng thì quả thật không bình thường” - bạn Thái Hòa nêu.

Bạn đọc Kiên Nguyễn ý kiến: “Nếu chính quyền xử lý quyết liệt, tôi tin chắc các chủ quán sẽ không thể lộng hành như hiện nay. Cứ tình trạng trên thì khu này không khéo sẽ trở thành quán bar ngoài trời mất. Thật khủng khiếp!”.

Quán có DJ nữ tại 331 Phạm Văn Đồng trước và sau khi bị dẹp. Ảnh: TỰ SANG

Chủ tịch phường phải chịu trách nhiệm quán nhậu tràn ra đường ảnh 3
Chủ tịch phường phải chịu trách nhiệm quán nhậu tràn ra đường ảnh 4

Quán Chicago Beer trước và sau khi bị lực lượng dẹp. Ảnh: TỰ SANG

Ràng buộc trách nhiệm chủ tịch phường

Ngày 10-7, trao đổi với chúng tôi về tình hình xử lý các quán nhậu tràn ra lề đường tại tuyến đường Phạm Văn Đồng, ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cho biết việc xử lý các quán lấn chiếm lề đường có hai cơ quan.

Ở cấp quận có đội trật tự đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị, ở phường thì do các phường trực tiếp xử lý.

Vừa rồi, quận đã giao cho phường mời những chủ quán đến làm việc để chấn chỉnh. Đối với những chủ quán không hợp tác thì sẽ có một số giải pháp như kiểm soát việc sử dụng bia, rượu của khách khi tham gia giao thông

Để xử lý các quán lấn chiếm lề đường thì trách nhiệm của cấp phường là chính. Về thẩm quyền xử phạt thì với mức tiền phạt hiện nay do quận ra quyết định xử phạt.

Để chấn chỉnh việc các quán nhậu tràn ra đường trên đường Phạm Văn Đồng không quá khó. Bởi tuyến đường này không có tình trạng xe đẩy buôn bán lấn chiếm mà chủ yếu là các quán kinh doanh tại chỗ, tức là những “ông có tóc” thì rất dễ quản lý.

Vì thế, giải pháp chính là ràng buộc trách nhiệm của chủ tịch phường. Phường nào xảy ra tình trạng trên thì chủ tịch phường phải chịu trách nhiệm.

Sau các cuộc họp đánh giá sẽ điểm danh cụ thể tuyến đường nào đang xảy ra tình trạng lấn chiếm và sẽ cùng nhau tìm ra nguyên nhân tồn tại là do đâu, có vấn đề gì đang xảy ra ở khu vực đó không...

“Theo tôi, nếu địa phương xử lý tốt và với những giải pháp như hiện nay thì trong thời gian tới tình trạng lấn chiếm lề đường ở các quán nhậu sẽ ổn thôi” - ông Khang khẳng định.

Ông NGUYỄN THANH DUY TÂN, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM:

Thành lập tổ tự quản trên các tuyến đường lấn chiếm

Trên địa bàn phường chúng tôi, nếu có các tuyến đường có xảy ra tình trạng lấn chiếm thì phường sẽ chọn lọc ra và thành lập tổ tự quản. Tổ tự quản này sẽ do hội cựu chiến binh của phường quản lý.

Những thành viên trong tổ là những người đang buôn bán trên tuyến đường đó, họ sẽ tự nhắc nhở nhau trong quá trình kinh doanh, buôn bán để không lấn chiếm lề đường.

Ngoài ra, với tuyến đường khác thì phường phân công cho mỗi đoàn thể phụ trách một tuyến đường. Nếu hộ nào vi phạm, phường ra quân tuần tra, kiểm tra, vận động hộ dân không vi phạm trật tự đô thị và sau cùng là xử phạt nếu các hộ tiếp tục vi phạm.

Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Sử dụng trái phép lòng đường, bị phạt 2-6 triệu đồng

Tại điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019 quy định phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 triệu đến 6 triệu đồng đối với tổ chức nếu thực hiện một trong các hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa…

Ngoài ra, điểm d khoản 10 Điều 12 của nghị định này còn quy định người vi phạm còn bị buộc phải thu dọn rác, chất phế thải, phương tiện, vật tư, vật liệu, hàng hóa, máy móc, thiết bị, biển hiệu, biển quảng cáo, các loại vật dụng khác và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm