Sáng 25-4, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: Cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm.
|
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: LAM HIỀN |
Nhiều dự án chưa đủ thủ tục, không đủ điều kiện phân bổ vốn
Ngay từ đầu năm 2021, Chính phủ xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Thủ tướng đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, công điện để hướng dẫn, triển khai, đôn đốc, đẩy mạnh giản ngân vốn đầu tư công, bảo đảm đúng mục tiêu, định hướng đề ra. “Lũy kế giải ngân năm 2021 là hơn 383 nghìn tỉ đồng, đạt 83,15% kế hoạch”- ông Phớc cho hay.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính thừa nhận việc phân bổ kế hoạch của một số bộ, ngành trung ương và địa phương còn chậm. Chất lượng lập, phân bổ kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư công một số nơi còn nhiều bất cập, mang tính hình thức dẫn đến nhiều dự án được giao kế hoạch nhưng vẫn chưa thể triển khai thi công. Nhiều địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương, và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp...
Thẩm tra sơ bộ, Uỷ ban Tài chính- Ngân sách cho rằng trong công tác chuẩn bị đầu tư, có nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, không đủ điều kiện phân bổ vốn, dẫn đến không đạt mục tiêu đề ra ngay từ những bước đầu tiên.
Việc rà soát, điều chuyển, bổ sung vốn cho những dự án giải ngân tốt, có nhu cầu vốn để hoàn thành các dự án chưa được thực hiện kịp thời, linh hoạt.
“Đây là tồn tại kéo dài nhiều năm, đề nghị Chính phủ cần kiên quyết xử lý dứt điểm”- báo cáo thẩm tra nêu.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng nêu tình trạng chưa phân bổ chi tiết vốn ngân sách trung ương (NSTW) cho các dự án, chưa phân bổ hết vốn ngân sách địa phương diễn ra trong nhiều năm chưa được khắc phục, diễn ra ở nhiều bộ, ngành, địa phương. Theo báo cáo, có 9 bộ và 21 địa phương chưa phân bổ chi tiết với tổng số vốn hơn 9.000 tỉ đồng...
Điều này dẫn đến kết quả tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm chậm, trong đó có một số dự án đầu tư trọng điểm, tuy nhiên những tháng cuối năm tỷ lệ tăng đột biến. Uỷ ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ về vấn đề này.
Cũng theo cơ quan thẩm tra, còn tình trạng phân bổ, giao kế hoạch vốn không sát với thực tế dẫn đến trong năm 2021, nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh giảm số vốn được giao. Đáng chú ý, đến ngày 7-10-2021, có 12 bộ, cơ quan trung ương và 43 địa phương trả lại kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn NSTW với tổng số vốn là hơn 22.000 tỉ đồng.
“Có trường hợp địa phương được phân bổ vốn NSTW hỗ trợ cho các dự án chưa được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, phải đề nghị điều chỉnh, không bảo đảm đúng quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết của Quốc hội”- báo cáo thẩm tra nêu.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: LAM HIỀN |
Cần nói thẳng là dự án nào?
Phát biếu sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi: vì sao năm 2020 dịch dã thế mà giải ngân 98%, trong khi năm 2021 chỉ giải ngân được 83% và ba tháng đầu năm 2022 đầu tư công mới giải ngân được 11%? Ông cũng nêu tình trạng phân tán dàn trải trong đầu tư công, tình trạng có dự án hoàn thành rồi mà không bố trí vốn để trả, khoảng 7-8.000 tỉ.
Chủ tịch Quốc hội sau đó đề nghị báo cáo thẩm tra cần nêu rõ địa chỉ, “anh nào làm tốt nói làm tốt, anh nào làm không tốt nói thẳng chứ sao phải ngại, né tránh”.
“Sắp tới đây, hàng loạt dự án đầu tư quan trọng quốc gia, các đồng chí đưa các dự án vào đây luôn, chỉ có 2 dự án lớn, nói thẳng ra. Sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, tiến độ chậm, lãng phí nguồn nhân lực.. như thế nào? Nói thẳng chứ nêu “một số dự án” là một số nào. Một số địa phương, một số ngành, một số dự án... Sao “một số” nhiều thế?”- Chủ tịch Quốc hội nói.
Người đứng đầu Quốc hội đặt vấn đề: “Nhiều dự án hết năm này sang năm khác, năm sau không tiến triển gì so với năm trước, có phải vì chúng ta (Quốc hội) không? Chúng ta không cương quyết, không bày tỏ thái độ. Khen biểu dương thật lực, anh nào chưa tốt nhắc nhở, anh nào kém phê bình, kiểm điểm, chịu trách nhiệm. Không nói chung chung được”.
Một số dự án quan trọng quốc gia còn xảy ra tình trạng chậm trễ trong công tác triển khai, đưa vào hoạt động gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội và TP.HCM.
Báo cáo thẩm tra dẫn chứng dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương được phê duyệt năm 2010 , đến nay lũy kế giải ngân vốn ODA đạt 2,5%, vốn đối ứng đạt 2,09%.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên được phê duyệt năm 2007, đến nay lũy kế giải ngân vốn ODA đạt hơn 48%, vốn đối ứng đạt hơn 39%.
Dự án tuyến đường sắt đô thị TP.Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội được phê duyệt năm 2009, đến nay lũy kế giải ngân vốn đạt hơn 47% tổng mức đầu tư.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt năm 2008, hiện nay vẫn đang làm thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 19.555 tỉ đồng lên 35.679 tỉ đồng, lũy kế giải ngân đến tháng 8-2021 đạt 974 tỉ đồng.