Kiên Giang có 2 Sở chưa giải ngân được vốn đầu tư công trong 3 tháng qua

(PLO)-  Đó là Sở GTVT và Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh, cạnh đó, TP Phú Quốc chỉ giải ngân được 1,27% kế hoạch vốn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang vừa có báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công quý I-2022, trong đó, Sở này chỉ ra năm nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ giải ngân thấp hơn so cùng kỳ năm 2021.

Năm nguyên nhân làm tỉ lệ giải ngân thấp

Đó là, một số đơn vị được giao kế hoạch vốn lớn, có dự án chuyển tiếp nhưng chưa giải ngân, giải ngân thấp do vướng giải phóng mặt bằng chưa xử lý dứt điểm, chậm tiến độ... Tính đến đầu tháng 4-2022, có hai Sở là Sở GTVT và Sở TN&MT chưa giải ngân được kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Ngoài ra, TP Phú Quốc và Sở NN&PTNT cũng là hai đơn vị có tỉ lệ giải ngân thấp, dưới 10% kế hoạch vốn năm 2022.

Tỉ lệ gảii ngân vốn đầu tư công trong quý I-2022 ở Kiên Giang đạt thấp so cùng ký năm 2021. Ảnh minh họa: CHÂU ANH

Tỉ lệ gảii ngân vốn đầu tư công trong quý I-2022 ở Kiên Giang đạt thấp so cùng ký năm 2021. Ảnh minh họa: CHÂU ANH

Nguyên nhân thứ hai là nhóm các dự án khởi công năm 2022 chưa hoàn thành đấu thầu, xây lắp. Cụ thể, có bốn dự án tổng mức đầu tư hơn 611 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân. Đó là dự án đầu tư xây dựng công trình đường 3-2 nối dài (đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP Rạch Giá và huyện Châu Thành), dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ ven biển từ Hòn Đất đi Kiên Lương, dự án cầu thị trấn Thứ 11 và dự án đường Minh Lương - Giục Tượng.

Nguyên nhân ba là do tâm lý chủ quan của một số chủ đầu tư, từ đó chưa quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ những tháng đầu năm, do nghỉ Tết nguyên đán nên việc huy động nhân công đầu năm gặp khó khăn. Mặt khác, nhiều đơn vị chưa xây dựng tiến độ chi tiết cho dự án, công trình để theo dõi, đôn đốc, quản lý tiến độ. Hai nguyên nhân còn lại là do vướng giải phóng mặt bằng và nhóm dự án phải điều chỉnh hồ sơ.

Từ thực tế tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công thấp hơn so cùng kỳ, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành Chỉ thị về kế hoạch đầu tư công năm 2022 để các đơn vị có cơ sở triển khai thực hiện. Cạnh đó, Sở này cũng đề nghị các ngành, các địa phương trong tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi tiết, phân công lãnh đạo theo dõi, chỉ đạo, điều hành để đảm bảo tiến độ thi công đúng tiến độ.

Các đơn vị có tỉ lệ giải ngân thấp

Trong hai đơn vị chưa giải ngân được vốn đầu tư công năm 2022, Sở GTVT tỉnh Kiên Giang được giao chín dự án gồm hai dự án mới và bảy dự án chuyển tiếp với tổng vốn hơn 1.000 tỉ đồng. Các dự án chuyển tiếp chưa giải ngân gồm: dự án đầu tư xây dựng đường ven biển từ Rạch Giá đi Hòn Đất; dự án nâng cấp, mở rộng đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu và xây dựng mới nhánh nối với đường trục Nam - Bắc; dự án cảng hành khách Rạch Giá.

Còn Sở TN&MT tỉnh được giao kế hoạch vốn hơn 144 tỉ đồng để thực hiện dự án cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh.

UBND TP Phú Quốc được giao kế hoạch vốn gần 1.100 tỉ đồng, với ba nhóm dự án lớn là dự án sử dụng đất; chi bồi thường giải phóng mặt bằng từ nguồn thu tiền cho thuê đất dự án Cáp treo Hòn Thơm; dự án đường trung tâm Bãi Trường đoạn 3 và các đường nhánh. Đến đầu tháng 4-2022, TP Phú Quốc mới giải ngân được 1,27% kế hoạch vốn.

Sở NN&PTNT tỉnh được giao kế hoạch vốn hơn 332 tỉ đồng, gồm dự án là dự án đầu tư xây dựng 18 công trên tuyến đê biển, ven biển tỉnh Kiên Giang; dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL; dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững. Tính đến đầu tháng 4-2022, Sở NN&PTNT tỉnh chỉ mới giải ngân được 6,21% kế hoạch vốn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm