Chủ tịch Quốc hội: Cần bố trí ngân sách tăng lương cơ sở trong năm 2023

(PLO)- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị bố trí ngân sách tăng lương cơ sở trong năm 2023, sau 3 năm chưa thực hiện được vì dịch COVID-19.

Tiếp tục phiên họp sáng 4-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2021.

Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về phương án sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2021.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: DOÃN TẤN

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ UBTVQH cơ bản thống nhất với đề nghị của Chính phủ về phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2021.

Riêng với khoản tiết kiệm chi từ chậm trả lãi, UBTVQH cho rằng thực tế đây là tiền giảm dự toán so với số chi trả nợ nên không xác định là khoản tăng thu tiết kiệm chi. Từ đó, UBTVQH đề nghị không đưa khoản này vào nguồn phân bổ số tăng thu, tiết kiệm chi.

UBTVQH đồng tình với phương án phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi do Chính phủ trình, trong đó có khoản bổ sung vốn cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; bố trí nguồn để thực hiện cải cách tiền lương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý tại các phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất bên cạnh việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp, cần điều chỉnh tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức vào ngày 1-7 hàng năm.

Trước đây, hằng năm vẫn có điều chỉnh tăng lương nhưng 3 năm qua chưa thực hiện được do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Trong khi đó, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức cũng rất khó khăn.

“Năm sau cần tính toán việc này vì suy cho cùng đó cũng là chi cho đầu tư phát triển, góp phần để kích cầu”- ông Huệ nói.

Với các phương án phân bổ khác, UBTVQH cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ. Riêng với số vốn còn lại chưa phân bổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính sớm thống nhất phương án với Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Các phương án được đề xuất là bố trí nguồn tăng cường cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giảm áp lực về bội chi và nợ công, xem xét thưởng thêm cho một số địa phương vượt thu, bố trí cho một số dự án đầu tư công có nhu cầu cấp bách và có thể hoàn thành ngay trong năm 2022.

Nếu Chính phủ không xây dựng phương án sử dụng khoản này, đề nghị giảm bội chi để tăng chi trả nợ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

“Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, cố gắng làm sớm”

Trước đó, UBTVQH cho ý kiến về tình hình triển khai thực hiện và dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến nay mới trình UBTVQH cho ý kiến về danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là “rất chậm”. Việc này phần nào đó làm giảm hiệu quả của Chương trình.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, đánh giá nguyên nhân của sự chậm trễ này, chỉ rõ cụ thể nguyên nhân chủ quan, khách quan, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm và triển khai quyết liệt để sớm có kết quả cụ thể của gói chính sách này.

“Chúng ta vẫn nói đầu tư công dễ bị chậm. Chậm trong thực hiện các dự án khác đã dở rồi, chậm thực hiện gói phục hồi và kích thích kinh tế thì hiệu quả của gói này càng chậm đi. Vẫn biết thực hiện nhiệm vụ này khó nhưng cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương và cố gắng làm sớm, không để lâu”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Cũng trong phiên họp sáng nay, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại phiên họp sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương thông báo với số vốn còn lại bao gồm 14 nghìn tỉ đồng cho lĩnh vực hạ tầng y tế và gần 12 nghìn tỉ đồng cho các cái dự án tầng khác để các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có căn cứ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Thứ hai, Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nhanh chóng hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định để Chính phủ hoàn thiện danh mục, báo cáo UBTVQH cho ý kiến trước khi phân bổ vốn. Tinh thần là có đến đâu sẽ trình đến đấy, không nhất thiết phải chờ một đợt. UBTVQH sẽ họp nhiều lần, sẵn sàng họp ngoài giờ, họp bất thường để xem xét kịp thời.

Thứ ba, UBTVQH nhất trí về đề xuất của Chính phủ về việc dành hơn 9.600 tỉ đồng trong tổng số gói 176 nghìn tỉ đồng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội để phân bổ vốn cho 3 dự án đường cao tốc thuộc danh mục các dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ ba này.

Trong đó, có 3.800 tỉ đồng dành cho dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn; hơn 2.300 tỉ đồng cho dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; và 3.500 tỉ đồng cho dự án dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai 1.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới