Chiều 25-7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội gồm: phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; thí điểm mô hình chính quyền đô thị; thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính - ngân sách; xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)…
Luật Thủ đô khắc phục những bất cập
Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã thông tin kết quả phục hồi kinh tế xã hội của TP sau dịch COVID-19; việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị (Nghị quyết số 97/2019/QH14), việc thực hiện một số cơ chế chính sách tài chính - ngân sách đặc thù (Nghị quyết số 115/2020/QH14)...
|
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh (Ảnh: Trọng Phú) |
Đặc biệt, Chủ tịch Hà Nội cho hay từ ngày 9-6-2023, Bộ Tư pháp đã thực hiện việc đăng tải dự thảo Luật để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức và Nhân dân.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 6 chương, 59 điều. So với Luật Thủ đô năm 2012, dự thảo Luật tăng 2 chương, 32 Điều, trong đó bổ sung mới, toàn diện rất nhiều nội dung mới như: Tổ chức chính quyền Thủ đô, các quy định về thẩm quyền đầu tư, ưu đãi, thu hút đầu tư, cơ chế đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD), về phát triển nông nghiệp, nông thôn; về phát triển y tế; về an sinh xã hội.
“Việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô thời gian qua, cũng như những điểm hạn chế, không phù hợp của Luật Thủ đô năm 2012.
Đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm có vai trò lan toả thúc đẩy Vùng Thủ đô, đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước phát triển…”- Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.
Phân cấp, phân quyền mạnh hơn
Tại cuộc làm việc, nhiều ý kiến khác cũng đề nghị trong sửa Luật Thủ đô, cần phải phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho TP Hà Nội để Hà Nội có thể chủ động, cũng như thuận lợi hơn trong triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù; giúp TP quản lý tốt các vấn đề chỉnh trang, phát triển đô thị, kiểm soát dân số ở khu vực nội đô lịch sử…
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội chiều ngày 25-7. (Ảnh: Trọng Phú) |
Kết luận cuộc làm việc về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Việc sửa Luật Thủ đô là là cơ hội rất lớn để tạo lợi thế giúp Hà Nội phát triển, vươn lên tầm mới, vị thế mới của cả nước, khu vực và thế giới”.
Theo Chủ tịch Quốc hội quá trình xây dựng luật cần bám sát các chủ trương, chính sách và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị.
Đồng thời phải tổng kết thực tiễn để có căn cứ đề xuất, kiến tạo các chính sách phát triển Thủ đô. Thể chế hóa các quan điểm mới nhất, trực tiếp nhất liên quan đến Hà Nội, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Ảnh: Trọng Phú) |
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quá trình xây dựng luật cần tham vấn các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân. Tổ chức tọa đàm, hội thảo để lấy ý kiến sâu rộng về dự án luật.
Dự thảo luật phải giúp Thủ đô tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ, các dự án tồn đọng…
“Luật Thủ đô thực chất là một đạo luật về phân quyền. Phát triển Thủ đô không phải trách nhiệm của riêng Hà Nội, mà còn là trách nhiệm của cả nước. Vì vậy, các quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội” - Chủ tịch Quốc hội gợi mở.