Chủ tịch Quốc hội: Được chất vấn nhiều thì cử tri, Nhân dân sẽ hiểu rõ ngành

(PLO)- Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thực hiện chất vấn chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết năm 2023, với chín lĩnh vực.

Sáng 19-8, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay phiên họp diễn ra từ ngày 19 đến 22-8.

Phiên họp thứ 36 dự kiến có 1,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành; đồng thời xem xét 12 nội dung.

Khi làm luật không thể ủy nhiệm cho Thứ trưởng hay một vụ nào đó

Về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu với ba dự án luật: Luật Điện lực sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan QĐND Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo ông Trần Thanh Mẫn, nếu hai dự án Luật Điện lực sửa đổi và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan QĐND Việt Nam được Chính phủ chuẩn bị tốt, các cơ quan thẩm tra đồng thuận, đại biểu Quốc hội chuyên trách đồng thuận cao thì có thể làm theo quy trình rút gọn, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình một kỳ họp.

Ngoài ra, cơ quan thường trực của Quốc hội cũng cho ý kiến việc giải trình, tiếp thu Luật phòng không nhân dân, để các cơ quan tiếp tục hoàn thiện, xin ý kiến các cơ quan trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề nghị của Chính phủ bổ sung hai dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT và Luật Phòng bệnh vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

“Khối lượng công việc trình luật tại kỳ họp thứ 8 và 9 rất lớn nên đề nghị từ thời điểm này cần xem xét, tính toán, bổ sung cho phù hợp” - theo Chủ tịch Quốc hội.

Ông Trần Thanh Mẫn yêu cầu khi đã bổ sung vào chương trình thì cơ quan soạn thảo phải chuẩn bị rất kỹ, cơ quan thẩm tra làm chặt chẽ, đúng quy định.

“Vấn đề đã chín, đã rõ thì đưa vào luật, còn lại tiếp tục nghiên cứu, không phải vì thời gian gấp mà bỏ qua các công đoạn theo quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật” - Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra phải hết sức nghiêm túc vấn đề này, xem xét kỹ nhiều lần mỗi luật để nâng cao chất lượng của luật.

“Vì sao Luật ban hành còn chồng chéo, có vấn đề phải chỉnh sửa? Có những luật chưa thực hiện đã phải chỉnh sửa?” - Chủ tịch Quốc hội nêu và cho rằng cần xem lại vấn đề xây dựng pháp luật vừa qua có công đoạn nào làm chưa kỹ thì nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Ông Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị lãnh đạo các bộ phải ngồi xem từng điều, từng khoản, từng chương khi làm luật chứ không thể ủy nhiệm cho Thứ trưởng hay một vụ nào đó. Qua Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch phải ngồi làm đi, làm lại nhiều lần.

"Còn 3 kỳ họp Quốc hội nữa, phải làm thật kỹ, thật chắc, luật ra đời phải có chất lượng cao” - ông Trần Thanh Mẫn nói thêm

Chất vấn chuyên đề với 9 lĩnh vực

Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 1,5 ngày cho hoạt động chất vấn, qua đó đánh giá toàn diện, tổng thể việc thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023, liên quan chín lĩnh vực.

Nhóm lĩnh vực thứ nhất là nhóm kinh tế - xã hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành, gồm: Công Thương; VH-TT&DL; NN&PTNT.

Nhóm hai là lĩnh vực nội chính do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành, liên quan sáu lĩnh vực: Tư pháp, nội vụ, an ninh trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; viện kiểm sát.

Khai mạc phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: PHẠM THẮNG

“Có những bộ trưởng, trưởng ngành nói ‘sao ngành tôi được chất vấn nhiều lần như thế’. Tôi nói các đồng chí được chất vấn nhiều thì cử tri, nhân dân sẽ hiểu rõ ngành, đại biểu Quốc hội sẽ hiểu rõ ngành có mặt làm được, mặt chưa làm được và rút kinh nghiệm” - Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Ông Trần Thanh Mẫn khẳng định chất vấn chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết năm 2023 với chín lĩnh vực không trùng lắp với những nội dung đã chất vấn trước. Nếu có vấn đề ngoài nội dung gợi ý, chủ tọa điều hành có thể đề nghị đại biểu không chất vấn hoặc cơ quan có thể trả lời bằng văn bản.

Phiên chất vấn được truyền hình và phát thanh trực tiếp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết chất vấn để làm cơ sở cho các cơ quan triển khai, theo dõi, giám sát.

Ngoài ra, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023”; cho báo cáo công tác dân nguyện tháng 7.

Lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Quốc hội về hoạt động giám sát

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến việc tổ chức Diễn đàn Quốc hội về hoạt động giám sát, đây là sáng kiến mới lần đầu tiên được tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội.

Tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, quyết định bốn nội dung theo thẩm quyền: Phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về bổ nhiệm đại sứ; bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 của Bộ Y tế; thông qua nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến 2030…

Theo ông Trần Thanh Mẫn, đây là nhiệm vụ quan trọng năm 2024 để đầu năm 2025 tập trung cho đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng cũng như bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.

Phiên họp 36 diễn ra sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8. Ngay sau phiên họp này, Ủy ban Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (từ 28 đến 30-8), thảo luận về các dự án luật sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới