Chủ tịch Quốc hội: Không để bỏ hoang trụ sở công sau sáp nhập huyện, xã

(PLO)- Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Nam Định đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn đầu tư công...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 10-8, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX từ đầu nhiệm kỳ đến nay và bảy tháng đầu năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ 2020-2025.

Chủ tịch Quốc hội: Không để bỏ hoang trụ sở công sau sáp nhập huyện, xã
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định. Ảnh: TTXVN

Quan tâm, lựa chọn đội ngũ cán bộ cho nhiệm kỳ mới

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Nam Định đã quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX với nhiều kết quả khá toàn diện.

Nổi bật là tỉnh sớm hoàn thành đạt và vượt 11/12 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm đạt 9,2%/năm, thu ngân sách Nhà nước cán mốc 10 nghìn tỉ đồng…

Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được quan tâm. Là tỉnh có số lượng đơn vị hành chính sắp xếp lớn, nhưng Nam Định lại là một trong ba tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành chủ trương này trong giai đoạn 2023-2025. Kết quả này là nhờ hệ thống chính trị đã thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng, sắp xếp nhân sự và bảo đảm các điều kiện thực hiện.

Sau khi chỉ ra những hạn chế cần khắc phục, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thời gian tới tỉnh Nam Định cần quán triệt, triển khai tốt Chỉ thị 35/2024 của Bộ Chính trị “về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng”; chú trọng công tác cán bộ, vì đây là then chốt của then chốt, phải làm thực chất, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, lựa chọn cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thường trực và Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải nêu gương trong xây dựng đoàn kết; tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, nêu cao tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm,” không đùn đẩy, không né tránh.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Nam Định tích cực triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh theo hướng “3 vùng động lực, 4 cực tăng trưởng, 5 hành lang kinh tế,” phấn đấu trở thành một cực phát triển quan trọng của Vùng Đồng bằng sông Hồng; triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Ngoài ra, tỉnh cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; đẩy mạnh tiến độ giải ngân các dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Song song đó, triển khai tích cực Nghị quyết của Quốc hội về tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; điều chỉnh mức hưởng lương cho cán bộ hưu trí và trợ cấp xã hội, trợ cấp cho người có công có hiệu lực từ ngày 1-7-2024...

chu-tich-quoc-hoi-khong-de-bo-hoang-tru-so-cong-sau-sap-nhap-huyen-xa-1.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu tại buổi lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của tỉnh Nam Định. Ảnh: TTXVN

Bố trí, sử dụng tài sản công sau sắp xếp hiệu quả

Trước đó sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị công bố Nghị quyết 1104/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Nam Định.

Đây là một trong ba địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2025.

Phát biểu tại đây, Chủ tịch Quốc hội đã ghi nhận những kết quả nổi bật trong sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã của tỉnh Nam Định, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp thường xuyên, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, trong đó đặc biệt chú ý các trường hợp dôi dư khi thực hiện sắp xếp ĐVHC để có phương án giải quyết, hỗ trợ “thấu tình, đạt lý” phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Chủ tịch Quốc hội cũng hoan nghênh HĐND tỉnh Nam Định đã ban hành hai Nghị quyết Quy định miễn thu một số phí, lệ phí và Nghị quyết Quy định về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp xã.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý bố trí, quản lý, sử dụng trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp theo đúng quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; không để trụ sở bỏ hoang, bỏ trống, kịp thời sử dụng hoặc thanh lý theo đúng quy định.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân khi thay đổi con dấu, giấy tờ trong thực hiện các giao dịch với các cơ quan nhà nước, nhất là trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Theo Nghị quyết 1104/2024 có hiệu lực thi hành từ 1-9-2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị nhập toàn bộ diện tích, dân số của huyện Mỹ Lộc vào TP Nam Định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết nghị về thành lập, sắp xếp các ĐVHC cấp xã thuộc TP Nam Định; sắp xếp các ĐVHC cấp xã thuộc huyện Vụ Bản, huyện Ý Yên, huyện Nam Trực, huyện Xuân Trường, huyện Nghĩa Hưng, huyện Hải Hậu, huyện Giao Thủy (Nam Định).

Sau sắp xếp, Nam Định có chín ĐVHC cấp huyện (gồm một TP và 8 huyện); 175 ĐVHC cấp xã (gồm 146 xã, 14 phường và 15 thị trấn).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm