Chiều 9-8, tại phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 3).
Theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch đầu tư công trung hạn hơn 455.000 tỉ đồng.
Tại phiên họp này, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch đầu tư công trung hạn (đợt 3) là hơn 100.000 tỉ đồng. Như vậy, số vốn còn lại, Chính phủ chưa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là hơn 355.000 tỉ đồng.
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: quochoi.vn |
Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng con số 355.000 tỉ là số tiền rất lớn. Ông đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành giải trình vì sao còn lớn như thế, tập trung nhiều ở đâu, vì sao, bao giờ thì phân bổ được số tiền này?
Nhắc lại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, ông Huệ lưu ý sau 31-12-2022, nghĩa là chỉ còn 4 tháng nữa, nếu vẫn chưa phân bổ được thì chuyển toàn bộ số vốn còn lại vào dự phòng chung.
Với gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội 347.000 tỉ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng lĩnh vực đầu tư rất lớn, bao gồm chuyển đổi số, giáo dục, y tế… nhưng đến nay chưa có danh mục gì.
“Cái này khó, nhưng vướng chỗ nào? Chúng ta không giao được, mà không giao được thì làm sao giải ngân được. Ta cứ nói giải ngân chậm nhưng đã giao đâu mà giải”- Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.
“Tôi biết Chính phủ, các bộ rất sốt ruột, lãnh đạo chủ chốt cũng rất sốt ruột. Cho nên, cần phải làm rõ nguyên nhân gì để tháo gỡ. Giải ngân vốn đầu tư công chậm trở thành “căn bệnh trầm kha”. Luật Đầu tư công ban hành sau một thời gian ngắn thì đã phải sửa đổi rồi”- ông nói tiếp.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay tình hình giải ngân vốn đầu tư công sau 7 tháng đạt hơn 34%, thấp hơn cùng kỳ 2021 khoảng 2%.
|
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: quochoi.vn |
“Đây là vấn đề khó, lâu nay vẫn dao động 35-40%. Kết quả cả năm loanh quanh 90%”- ông Dũng nói và cho biết “năm nay đặc biệt”, ngoài lý do khách quan chủ quan, có 3 “yếu tố mới”.
Theo Bộ trưởng KH&ĐT, năm 2022 là năm thứ 2 thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng thực chất như năm đầu. Bởi tháng 7-2021, Quốc hội mới thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn, nên từ đó tới giờ vẫn đang làm thủ tục.
Hai là giá cả vật liệu xây dựng tăng vọt nên các nhà thầu càng làm càng lỗ. Do vậy, hầu hết các nhà thầu “án binh bất động”, chờ chính sách từ Chính phủ có cho điều chỉnh đơn giá hay không?
Ba là tỷ trọng thấp hơn 2% nhưng giá trị tuyệt đối lớn, tăng gấp hơn 2 lần 2021 do khối lượng lớn hơn.
Ngoài ra, ông Dũng lưu ý tâm lý nhiều địa phương e ngại trong xử lý thủ tục liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng, một số nơi không dám làm, ảnh hưởng tới tiến độ chung.
Bộ trưởng KH&ĐT cho biết vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã lập 6 đoàn công tác, làm việc với các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, kịp thời xử lý ngay các vấn đề có thể xử lý được. Chính phủ đã có hai hội nghị về đầu tư công, Bộ KH&ĐT cũng có nhiều công điện...
Sắp tới, Chính phủ ban hành Nghị quyết tháo gỡ khó khăn, đưa ra giải pháp để thúc đẩy giải ngân những tháng cuối năm. Các bộ, ngành, địa phương cam kết giải ngân hết.
“Bộ KH&ĐT dự báo năm nay giải ngân đầu tư công đạt khoảng trên 92%”- ông Dũng nói và khẳng định Chính phủ tiếp thu, cố gắng đẩy nhanh giải ngân đầu tư công...