“Chất vấn là hoạt động bình thường của Quốc hội (QH)…” - Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nói trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH ngày 18-8 khi có ý kiến đề nghị trong kỳ họp thứ 2 tới đây có thể xem xét “miễn” phần chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18-8. Ảnh: C.LUẬN
Tranh luận chứ không phải “chen luận”
Trước đó, khi cho ý kiến về kỳ họp thứ 2 sắp tới của QH, nhiều ủy viên UBTV QH cho rằng trong bối cảnh các thành viên Chính phủ đang bận chống dịch COVID-19 thì có thể xem xét không chất vấn hoặc chỉ chất vấn những bộ trưởng không bận chống dịch.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân cũng nêu ý kiến là các bộ trưởng đang dồn sức chống dịch, nếu được thì xin QH không chất vấn. Còn nếu không thì chỉ chất vấn những bộ… có nhiều thời gian.
Còn Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương nói: Cần cân nhắc việc chất vấn các thành viên Chính phủ. Vì có thể sẽ có những bức xúc về công tác chống dịch mà nếu không chất vấn thì lại không đáp ứng yêu cầu của nhân dân.
Về vấn đề này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ kết luận: Việc chất vấn vẫn tích cực chuẩn bị, nhất là những vấn đề quốc kế dân sinh, những gì cử tri quan tâm.
Một vấn đề khác liên quan đến kỳ họp tới cũng được các đại biểu quan tâm là việc phát biểu, tranh luận tại nghị trường.
Nhìn từ kỳ họp trước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Phú Cường nêu về việc tranh luận tại nghị trường: Đại biểu giơ biển là được tranh luận và khi tranh luận lại không nói vào nội dung chính, vấn đề này cũng cần xem lại.
Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương cũng đề nghị phải rà soát lại xem “ông nào phát biểu nhiều thì phải hạn chế để cho người khác phát biểu. Có ông vừa phát biểu xong thì lại giơ biển tranh luận, ta có thể gọi đó là “chen luận”” - ông nói.
Chủ tịch QH nhận xét: Nhiều đại biểu mới đã phát biểu rất sâu nhưng cử tri chắc chắn mong muốn nhiều hơn nữa. Các ý kiến ở tổ hay nghị trường đều phải sâu sát, chia sẻ những khó khăn với người dân, doanh nghiệp.
“Nhiều đoàn cũng ý kiến là phát biểu kết luận mỗi phiên thảo luận không nên dài. Nên chăng chỉ cần nói thảo luận vấn đề này có bao nhiêu ý kiến, các ý kiến đồng thuận, bao nhiêu ý kiến khác nhau và sẽ tiếp tục làm gì… Phát biểu kết luận phải đúng với tính chất nghị trường” - Chủ tịch QH nói.
Trách nhiệm của Quốc hội ở đâu?
Đặc biệt, trong phần thảo luận về báo cáo của Ban Dân nguyện về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân và giải quyết đơn thư gửi đến QH, Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh là “không được vô cảm”.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Bình trình bày báo cáo về giải quyết KNTC và cho rằng: Nhân dân rất tin tưởng vào nhiệm kỳ mới dù dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp. Tuy nhiên, tình hình giải quyết và giám sát việc giải quyết KNTC của Nhà nước vẫn còn nhiều điều cần xem xét.
Ban Dân nguyện kiến nghị UBTV QH đề nghị với các cơ quan hành pháp, tư pháp báo cáo về tình hình, kết quả rà soát, giải quyết đối với các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài trên phạm vi toàn quốc để có giải pháp giải quyết dứt điểm.
Đồng thời, UBTV QH chỉ đạo các cơ quan của QH, đoàn đại biểu QH, đại biểu QH tăng cường hơn nữa công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết KNTC, nhất là các vụ việc phức tạp, được dư luận quan tâm. Các cơ quan của QH sớm gửi Ban Dân nguyện báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết KNTC để tổng hợp báo cáo UBTV QH tại phiên họp tháng 10.
Nhiều ý kiến băn khoăn về nội dung, tên gọi của báo cáo và cả thẩm quyền, chức năng của Ban Dân nguyện về vấn đề này.
Tuy nhiên, Chủ tịch QH nói: “Tôi không câu nệ lắm vào việc chức năng, nhiệm vụ của các ban, ủy ban của QH. Nhưng tình hình KNTC của công dân là phức tạp”.
Chủ tịch Quốc hội nói: Phải làm hết trách nhiệm, chứ vô cảm với dân là mất hết uy tín. Việc nhỏ không làm thì việc nhỏ thành việc lớn, cái sảy nảy cái ung
“Mấy trăm vụ việc, đơn thư gửi về QH mà cứ chuyển đi thì có tác động gì không?” - Chủ tịch QH đặt vấn đề.
Theo ông, việc này thực tế chưa được quan tâm đúng mức, kể cả từ đầu nhiệm kỳ này, trong báo cáo của Ban Dân nguyện dẫn ra hơn 500 vụ việc KNTC phức tạp, kéo dài, người dân ở các tỉnh còn kéo nhau ra trung ương. “Vậy trách nhiệm của QH, UBTV QH là gì? UBTV QH trong hay ngoài cuộc? Lúc Hà Nội xử lý 8B Lê Trực, bãi rác Sóc Sơn… chẳng thấy UBTV QH đâu cả. Đó có phải phức tạp nổi cộm không? Chúng ta hay nói lý thuyết nhiều. Hội đồng Dân tộc, các ủy ban… của QH từ đầu khóa XV đến nay chẳng thấy giải quyết đơn thư gì” - ông nói.
Ông đề nghị phải tránh tình trạng “xuân thu nhị kỳ” xem xét báo cáo mà Chính phủ gửi sang. UBTV QH phải chủ động yêu cầu các cơ quan báo cáo về việc này.
“Công dân người ta bảo mình vô cảm, ta cũng làm chưa tốt. Phải làm hết trách nhiệm, chứ vô cảm với dân là mất hết uy tín. Việc nhỏ không làm thì việc nhỏ thành việc lớn, cái sảy nảy cái ung” - Chủ tịch QH nói.•
Giải thể Cơ quan điều tra hình sự khu vực Binh đoàn 11, 12 Tại phiên họp, với 100% thành viên UBTV QH tham gia biểu quyết tán thành, UBTV QH đã biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc định hướng chung Nghị quyết ban hành quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH. UBTV QH cũng giao Ban Công tác đại biểu chủ trì phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH rà soát thống nhất các nội dung, hoàn thiện nghị quyết để gửi xin ý kiến UBTV QH, trình Chủ tịch QH ký ban hành. UBTV QH cũng xem xét, thông qua Nghị quyết về việc thành lập, giải thể các cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương, cơ quan điều tra hình sự khu vực trong Quân đội nhân dân. Theo đó, UBTV quyết nghị thành lập 21 cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương trên cơ sở nguyên trạng các cơ quan điều tra hình sự trước đó. Đồng thời thành lập 62 cơ quan điều tra hình sự khu vực trên cơ sở giữ nguyên trạng các cơ quan điều tra hình sự cũ và cơ quan điều tra hình sự khu vực Tổng cục Kỹ thuật. Nghị quyết cũng quyết nghị giải thể Cơ quan điều tra hình sự khu vực Binh đoàn 11 và Cơ quan điều tra hình sự khu vực Binh đoàn 12. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-11-2021. |