Đầu năm mới 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã dành cho báo chí cuộc trò chuyện về những định hướng lớn để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sản phẩm nông nghiệp OCOP dẫn đầu miền Trung
Nhắc lại năm cũ 2022, ông Thanh cho biết đây là một năm Quảng Nam đã rất nỗ lực vượt qua những thách thức, khó khăn chung của cả nước. Tỉnh đã quyết tâm thực hiện thành công Năm du lịch quốc gia tại Quảng Nam. Cũng trong năm tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Cụ thể, đến ngày 31-12-2022 tổng thu ngân sách đạt gần 34.000 tỉ đồng, tỉnh dành 77 tỉ đồng để chăm lo tết cho gia đình chính sách.
“Cuối năm 2022, Quảng Nam tiếp tục xin đăng cai năm 2023 là Năm khởi nghiệp quốc gia. Năm khởi nghiệp quốc gia sẽ khác với đổi mới sáng tạo, ở đây mình muốn cả nước cùng với Quảng Nam khuấy động phong trào khởi nghiệp. Quảng Nam đang xây dựng các chương trình để ra tết là bắt đầu làm. Để luôn thấy Quảng Nam chuyển động chứ Quảng Nam không phải đứng lại” - ông Thanh nói.
Đường Võ Chí Công nối từ Cửa Đại (TP Hội An) vào TP Tam Kỳ. Ảnh: THANH NHẬT |
Về du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay năm 2023 sẽ đưa ra một số sản phẩm du lịch mới. Dự kiến cuối tháng 3 sẽ có hai hội nghị du lịch quốc tế lớn ở Quảng Nam. Nghĩa là Năm du lịch Quảng Nam vẫn tiếp tục.
Về công nghiệp, ông Thanh cho hay sẽ đột phá phát triển, lấy Trường Hải làm trung tâm để liên kết với các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp này. “Một ông Trường Hải ở đây thì hàng ngàn doanh nghiệp khác phải chạy theo, chứ một mình ông Trường Hải chạy cũng được nhưng hơi tiếc. Hiện nay Trường Hải có tới sáu tập đoàn sau khi tái cấu trúc lại mô hình chứ không còn là THACO như trước đây nên phải lấy Trường Hải làm trung tâm và tiếp tục mở rộng các liên kết để phát triển” - ông Thanh phân tích.
Ông Thanh cũng cho hay Quảng Nam không có nền sản xuất lớn nhưng đến nay nông nghiệp đã giúp bà con trang trải được cuộc sống và ổn định. Hiện các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn OCOP ở Quảng Nam rất mạnh, đang dẫn đầu các tỉnh miền Trung.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh. Ảnh: THANH NHẬT |
“Như năm rồi thị trường của tỉnh là ở Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai nhưng xu thế là đưa hàng của mình đi các tỉnh lớn và bán hàng online nữa. Hiện nay gần như sản phẩm không có đủ để bán. Tới đây, các sản phẩm sản xuất theo OCOP theo từng ngành hàng sẽ được gom lại thành cụm ngành hàng phát triển theo chiều sâu để đủ sản lượng cung cấp theo đơn hàng lớn” - ông Thanh thông tin.
Đột phá về hạ tầng giao thông
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, năm 2023 đột phá lớn nhất của tỉnh chính là phát triển hạ tầng. Trong đó, trước hết là khởi công Quốc lộ 14E, đồng thời hoàn thành đề xuất chủ trương Chính phủ cho phép làm luôn đường 14D lên cửa khẩu. Đường này thì Trường Hải bỏ tiền đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng, cuối năm nay sẽ có báo cáo đề xuất trình Chính phủ.
Bên cạnh đó là cảng biển, tỉnh sẽ làm cảng nước sâu cho tàu 50.000 tấn ra vào và chỉ còn chờ thủ tục. Khi có cảng nước sâu sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề về hàng hóa ra vào của Trường Hải, giải quyết hàng nông nghiệp từ Campuchia, Lào, Tây Nguyên về thì cần có trung tâm chế biến sâu ở Quảng Nam để xuất đi. Khi có cảng, chi phí logistics giảm xuống, như vậy là rất tốt.
Ông Thanh cũng cho hay Quảng Nam quyết tâm có sân bay quốc tế. Trước đây khi làm việc thì chỉ đề cập tới việc nâng cấp phần sân bay hiện có ở phía tây nhưng vừa rồi làm việc với Bộ GTVT, tỉnh không chấp nhận phương án đó.
Tỉnh Quảng Nam sẽ làm cảng biển nước sâu để phát triển |
“Có thì có, không có thì thôi, chứ không có làm kiểu nâng cấp đó. Phía tây sân bay thì có dính tới đất quốc phòng, cứ đề nghị giữ lại đó nhưng ở phía đông đất còn trống, làm rất nhanh, chúng tôi kêu gọi đầu tư cái được ngay vì có quy hoạch rồi. Bộ GTVT đồng ý trình Chính phủ theo hướng cho Quảng Nam làm trước phần phía đông” - ông Thanh nói.
Quảng Nam sẽ đi lên mạnh mẽ
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, với đột phá về hạ tầng, thời gian tới tỉnh sẽ có ba con đường huyết mạch để phát triển là sân bay, cảng biển và đường lên cửa khẩu nối với Lào.
Còn đường Võ Chí Công hết quý II-2023 sẽ hoàn thiện cả hai làn từ cầu Cửa Đại (TP Hội An) vào đến TP Tam Kỳ, sau đó bắt đầu làm tiếp từ TP Tam Kỳ vào đến sân bay Chu Lai. Hiện nay từ TP Tam Kỳ vào sân bay có một làn, nay hoàn thiện làn thứ hai.
“Hạ tầng, đường sá có lên thì mới có thể đột phá được vùng phía đông. Còn vùng phía tây thì làm Quốc lộ 14G, tỉnh xin làm để phát triển cánh Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang. Như thế thì phải làm thủ tục bàn giao tài sản từ bộ, sau đó sẽ đưa vào đầu tư công trung hạn giai đoạn 2025-2030.
Còn đường 40B đi lên Nam Trà My hiện đã làm xong các cây cầu và sẽ tiếp tục làm đường mới từ dưới biển lên Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My nối với đường cũ… như vậy cơ bản là các trục giao thông sẽ khớp nối và giúp cho tỉnh phát triển kinh tế vùng miền núi” - ông Thanh chia sẻ.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, con đường đi lên của Quảng Nam rất là mạnh, lạc quan hoàn toàn có khoa học chứ không phải là lạc quan tếu.