Chủ tịch TP.HCM: Tận dụng giãn cách để 'bóc tách' F0 khỏi cộng đồng

Sáng 10-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp giao ban trực tuyến với TP.HCM để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh.

Đưa “vùng đỏ” thành “vùng da cam”, xuống “vùng vàng”...

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, cho biết trong ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tình hình cung ứng hàng hoá trên địa bàn TP ổn định, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, cũng xuất hiện những vướng mắc phát sinh. Nhưng ngay sau đó, TP đã kịp thời có giải pháp khắc phục như hỗ trợ những người không thể nấu ăn tại nhà, tăng lượng thực phẩm đã chế biến tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích thiết yếu được hoạt động; hướng dẫn người dân mua hàng online; cử người đi chợ giúp…

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ tận dùng thời gian giãn cách xã hội để "bóc" F0 ra khỏi cộng đồng . Ảnh: VGP/Đình Nam

Từ ngày 6-7 đến nay, TP.HCM đã triển khai hỗ trợ 31.525 đối tượng, trong đó có 1.500 người bán vé số, so với yêu cầu đặt ra, tỷ lệ này còn thấp, chỉ khoảng 14%. TP đã đề nghị các quận, huyện triển khai nhanh hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Một số quận như quận 1, 7 và TP Thủ Đức đã chủ động tạm ứng ngân sách thay vì chờ đợi ngân sách TP đưa về để kịp thời hỗ trợ người dân.

Về giao thông, ông Phong cho biết TP.HCM đã tái lập 12 chốt chính tại các cửa ngõ để kiểm soát người, phương tiện ra, vào. Các quận, huyện cũng thiết lập các chốt kiểm soát dịch bệnh theo quy định.

Đáng chú ý, trong ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16 đã xảy ra ùn tắc tại một số cửa ngõ do quy định người dân ra, vào TP phải có giấy xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, TP đã phối hợp với Bộ GTVT tạo “luồng xanh” cho các phương tiện chở chuyên gia, hàng hoá. Các địa phương lân cận cần chủ động phối hợp, lập danh sách phương tiện để cấp giấy, mã QR nhận diện.

Ngoài ra, TP cũng đã thành lập Sở Chỉ huy đặt tại trụ sở UBND TP, thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý các vấn đề phát sinh; phát động phong trào thi đua “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19”; tổ chức lại để tối ưu hóa công tác xét nghiệm; tăng cường tuần tra để xử lý các trường hợp vi phạm phòng chống dịch...

Trong thời gian tới, người đứng đầu chính quyền TP.HCM khẳng định sẽ tận dụng thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, tăng công suất xét nghiệm để sớm phát hiện, “bóc” ngay F0 ra khỏi cộng đồng, giữ vững “vùng xanh”, đưa “vùng đỏ” thành “vùng da cam”, xuống “vùng vàng” và nhanh về an toàn.

TP.HCM sẽ tổ chức hệ thống tổng đài gọi điện tự động để nắm bắt thông tin sức khoẻ người dân, đến tận nhà lấy mẫu những người có triệu chứng, sau đó ưu tiên xét nghiệm người già, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai…

Khu vực sản xuất phải thực hiện nghiêm ngặt nguyên tắc “sản xuất phải tuyệt đối an toàn”, tất cả các nhà máy đều phải “xanh” mới được hoạt động.

Chốt thật chặt, giữ vững và từng bước mở rộng "vùng xanh"

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, với dự báo số ca mắc COVID-19 tăng cao (trên 1.000 ca/ngày) nên Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM đã lên kịch bản trong trường hợp có 1.600 ca mắc/ngày.

Trong 5 ngày tới, số ca mắc tại TP.HCM có thể lên tới 10.000 người. Để đáp ứng diễn biến tình hình, Thành phố sẽ tăng thêm 6.000 giường điều trị (hiện là 20.000 giường), chuẩn bị thêm xe cứu thương, xe y tế để vận chuyển người bệnh…

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị sau ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, các quận huyện, lực lượng chống dịch cần tiếp tục tổ chức chấn chỉnh, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tình huống phối hợp chưa đồng bộ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Phát biểu tại cuộc họp, bên cạnh việc thiết lập các chốt cửa ngõ của TP.HCM và các quận huyện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý tinh thần của Chỉ thị 16 là “người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, khu phố cách ly với khu phố…”.

Vì vậy, phải thực hiện thật nghiêm, chốt thật chặt, giữ vững và từng bước mở rộng những "vùng xanh" an toàn, từng bước dồn dịch vào các điểm nhỏ để tập trung khoanh vùng, dập dịch, làm sạch địa bàn. Việc quản lý người ở ngoài đường phải rất chặt chẽ, trong mọi trường hợp tuyệt đối không để tập trung đông người.

Ông Vũ Đức Đam cũng lưu ý TP.HCM cần phát huy sáng tạo, bằng kinh nghiệm thực tế, mạnh dạn thực hiện, vừa làm vừa điều chỉnh như cách ly F1 tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm theo phân nhóm hộ gia đình hộ gia đình, thành viên gia đình có điều kiện sinh sống, làm việc khác nhau, phương án cách ly mới đối với những ca F0 đã đủ điều kiện ra viện…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới