'Nhiều ràng buộc trong thời gian giãn cách xã hội'

Tối 8-7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng tại TP.HCM.

Rất đắn đo khi phải quy định “Dừng bán mang về”

Phát biểu, ông Dương Anh Đức cho biết TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 TP nhưng vẫn phải duy trì, đảm bảo lưu thông hàng hóa, đảm bảo cung ứng dịch vụ thiết yếu như vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, lương thực, thực phẩm.

Về câu hỏi các cửa hàng kinh doanh ăn uống có còn được hoạt động hay không? Ông Dương Anh Đức cho biết: Chỉ thị 10 của UBND TP đã cấm việc ăn uống tại chỗ, giờ thực hiện Chỉ thị 16, TP cấm thêm dịch vụ ăn uống mang về. Như vậy, người bán hàng dịch vụ ăn uống sẽ phải tạm ngưng bán mang về.

“Không có quyết định nào toàn vẹn. Ra quyết định này lãnh đạo TP rất cân nhắc. Ví dụ như cá nhân tôi cũng rất cần. Tôi, bà xã và con đều làm suốt ngày nên thường về muộn. Nếu có dịch vụ như vậy rất tiện lợi cho mình” - ông Đức chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức tại buổi họp báo. Ảnh: TÁ LÂM

Ông nói: Thực tế các nơi bán hàng ví dụ như tiệm bánh mì, khi nhiều người đặt hàng, shipper đến đứng đợi ở cửa hàng rất khó đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 16. Yêu cầu giãn cách là hai người mà thường những tiệm nhỏ như tiệm bánh mì cũng có hai người bán, thêm một người đến mua nữa là ba người. Do vậy, ông mong sự chia sẻ vì mỗi loại hình hoạt động phải dừng là vấn đề rất đắn đo, cân nhắc.

Một câu hỏi được nhiều phóng viên quan tâm là TP.HCM dừng hoạt động xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống thì có dừng hoạt động giao hàng hay không? Vấn đề này, ông Đức cho biết các loại hình vận chuyển hàng hóa bằng ô tô và mô tô giao hàng vẫn duy trì hoạt động, còn chở khách thì phải tạm dừng.

Ông cũng thông tin là các cửa hàng tạp hóa kinh doanh dịch vụ thiết yếu thì vẫn được hoạt động. “Tạp hóa bán đồ thiết yếu cho nhu cầu hằng ngày như hiệu thuốc vẫn được duy trì nhưng nếu tạp hóa bán nồi niêu, xong chảo thì phải dừng hoạt động trong hai tuần tới” - ông Đức nói.

Ông cũng thông tin việc phát cơm từ thiện vẫn được phép duy trì nhưng phải ngăn nắp, trật tự, giãn cách, không tụ tập. “Rất nhiều ràng buộc trong thời gian giãn cách xã hội, quan trọng nhất vẫn là giãn cách và không đông người. Hoạt động từ thiện không cấm nhưng phải tuân thủ quy định phòng dịch” - ông nói.

UBND TP.HCM hướng dẫn việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0 giờ hôm nay (9-7). Đồ họa: TRÚC TRÚC

Quản lý chặt việc chở hàng ra vào TP.HCM

Về việc di chuyển ra vào TP.HCM, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cho biết khi áp dụng Chỉ thị 16 thì người dân chỉ được ra đường để giải quyết nhu cầu cấp thiết, giãn cách nhà với nhà, phường với phường. “Nếu người dân không lý giải được việc di chuyển thì chắc chắn là không được phép. Và di chuyển từ TP.HCM sang tỉnh khác cũng có quy định đã nói rõ. Ví dụ người từ TP.HCM sang tỉnh khác sẽ bị cách ly bảy ngày” - ông Đức nói.

Theo ông Đức, TP.HCM rất nỗ lực thống nhất với các tỉnh về quy trình để hạn chế việc ách tắc giao thông, hạn chế lưu thông hàng hóa và duy trì được việc phục vụ hoạt động thiết yếu. Cụ thể như TP thỏa thuận được đội xe để duy trì hoạt động cung ứng cho TP, chuyên chở hàng hóa thực phẩm phải vận chuyển từ Đà Lạt và miền Tây vào TP.HCM.

Lý giải thêm về vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết từ ngày 9-7, tất cả loại hình giao thông công cộng, liên tỉnh đều không đi qua địa bàn TP.HCM trừ một số trường hợp như xe chở người cách ly, công nhân, chuyên gia… TP.HCM đã sắp xếp taxi của Mai Linh và Vinasun để chở người dân trong trường hợp cần thiết.

Với xe tải vận chuyển hàng hóa sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP.HCM vẫn hoạt động. TP không cấm xe chở hàng hóa hoạt động theo đúng quy định phòng chống dịch theo điều kiện mới của TP.

Với xe liên tỉnh chở nhu yếu phẩm từ TP.HCM đi các tỉnh và các tỉnh đi TP.HCM, ông Lâm cho biết sẽ chủ trì tiếp nhận danh sách phương tiện của xe chở nhu yếu phẩm, rau củ quả, hàng tươi sống; xe đưa rước công nhân, chuyên gia; xe chở hàng hóa ra vào cảng; xe quá cảnh (đi qua nhưng không dừng lại).

Với nhóm xe chở hàng thiết yếu, sản xuất kinh doanh thuộc nhóm đối tượng ưu tiên.

Với các loại hình khác như xe hai bánh công nghệ, xe ôm, shipper, ông Lâm cho biết tất cả mô tô chở hành khách đều tạm dừng. Chỉ còn mô tô chở hàng được hoạt động theo quy định, hạn chế dùng tiền mặt khi nhận hàng.

Đồng Nai: Từ 0 giờ ngày 9-7, toàn tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Khánh Hòa: Cũng từ 0 giờ ngày 9-7, Khánh Hòa sẽ áp dụng Chỉ thị 16 đối với TP Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Các huyện, TP còn lại sẽ áp dụng Chỉ thị số 15 của Thủ tướng.

Vĩnh Long cũng giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19 ở mức “nguy cơ rất cao” tại TP Vĩnh Long và ba huyện Bình Tân, Long Hồ và Tam Bình.

Trước đó, một số địa phương ở Quảng Ngãi cũng đã giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm