Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8, HĐND TP.HCM, khóa X, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã trả lời chất vấn của các đại biểu vào chiều 8-12.
ĐB Trần Quang Thắng đặt vấn đề, năm 2023, TP.HCM dự kiến cần ngân sách 71.000 tỉ cho đầu tư công; trung ương đã giao 55.000 tỉ.
“Như vậy, để đạt mục tiêu GRDP từ 7,5-8%, TP có giải pháp thế nào để có thể đạt tỉ lệ giải ngân trên 95% cho năm sau”- ĐB Thắng chất vấn.
Một ĐB cũng đề nghị cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vì đây là nguyên nhân chính làm ảnh hưởng tỉ lệ giải ngân. Đồng thời, quan tâm đến vấn đề tái định cư cho người dân.
ĐB Trần Quang Thắng chất vấn về giải ngân đầu tư công. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Trả lời câu hỏi của các ĐB về giải ngân đầu tư công, ông Phan Văn Mãi thông tin, năm 2023, TP được Trung ương phân bổ mức vốn đầu tư lớn. Do đó, thành phố cần những giải pháp quyết liệt ngay từ bây giờ.
Theo đó, Trung ương giao 55.000 tỉ, TP đã rà soát, cân đối thì đến giờ này cân đối được 45.000 tỉ, còn 10.000 sẽ được bù vào bằng ba nguồn.
Nguồn thứ nhất là rà soát lại đấu giá các nhà đất, như kế hoạch chỗ Thủ Thiêm đã khởi động lại, đã giao cho Sở TN&MT TP chủ trì phối hợp các sở, ngành để đề xuất triển khai trong thời gian sắp tới.
"Tuy nhiên, tình hình thị trường bất động sản còn khó khăn nên cân nhắc để không khéo bán rẻ tài sản trong lúc kinh tế khó khăn"- ông Mãi nói.
Nguồn bổ sung thứ hai là cân nhắc vay nợ chính quyền địa phương.
Nguồn thứ ba, TP sẽ chọn nội dung liên quan đến tăng nguồn thu ngân sách; có biện pháp phù hợp triển khai với mục tiêu huy động cho được phần còn thiếu trên 9.000 tỉ, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư công năm 2023.
Qua đánh giá công tác giải ngân đầu tư công năm 2022, TP.HCM đã xác định được bốn nguyên nhân chính gây chậm tiến độ. Đầu tiên là việc thực hiện các hồ sơ của dự án chuyển tiếp từ nhiệm kỳ trước sang, việc điều chỉnh mất rất nhiều thời gian.
Do đó, UBND TP.HCM đã đề nghị các cơ quan liên quan các dự án khi trình trong năm 2023 phải đảm bảo đã hoàn thành hồ sơ. Trong quý I- 2023, TP sẽ tập trung hoàn thiện phần việc này để xác định dự án, công trình nào sẽ triển khai, dự án nào có nguy cơ không hoàn thành sẽ được điều chỉnh.
“Thứ hai là câu chuyện giải phóng mặt bằng, quy hoạch, câu chuyện sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, công tác thẩm định giá cũng cần hoàn thiện hơn. Sự phối hợp giữa các bên trong giải quyết vướng mắc từng dự án ngay từ đầu”- ông Phan Văn Mãi nhìn nhận.
Chủ tịch UBND TP thông tin thêm, năm 2022, vốn giải phóng mặt bằng cũng chỉ đạt 21%; trong khi phải hoàn thành ít nhất 95%. TP đang thúc tổ công tác giải phóng mặt bằng tập trung hoàn thiện khối lượng giải phóng mặt bằng năm 2022, chuẩn bị cho năm 2023.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
TP.HCM cũng yêu cầu từng chủ đầu tư phải lên kế hoạch, tiến độ từng dự án. Sau đó, Sở KH-ĐT với vai trò là cơ quan quyết định những dự án nào sẽ tiếp tục và dự án nào cần điều chuyển.
UBND thành lập ba tổ công tác: tổ ODA, tổ dự án có vốn lớn và tổ giải phóng mặt bằng. Hiện tổ giải phóng mặt bằng đang hoạt động hàng tuần, đặc biệt với các địa phương có diện tích, khối lượng giải phóng mặt bằng nhiều để gỡ khó cho các dự án có vốn lớn, bám sát tiến độ các dự án này.
Ông Mãi nói, các dự án ODA đến nay vẫn còn khó khăn, dù đã nỗ lực nhưng vẫn vướng trong thủ tục cho các nhà tài trợ, với các bộ, ngành Trung ương…
Trên cơ sở tháo gỡ những vướng mắc năm 2022, ngay từ đầu năm 2023, TP.HCM chủ động lên kế hoạch xác định tiến độ các dự án, nếu thấy khả năng không hoàn thành được hồ sơ phải điều chỉnh sao cho đảm bảo được tiến độ.
Về chương trình nhà ở xã hội, ông Phan Văn Mãi cho biết, chương trình này được HĐND thông qua với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể.
Để triển khai kế hoạch phát triển nhà ở 2025, chương trình nhà ở đến năm 2030 Sở Xây dựng đang phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND TP tập trung triển khai 18 dự án.
“Chúng tôi đang rà soát, hoàn thiện đề án nhà ở thay nhà trên ven kênh, rạch với số lượng 20.000 nhà thay nhà chung cư cũ, phát triển nhà lưu trú công nhân. Trong đó có tính đến nhà ở xã hội hoặc nhà ở cho thuê cho cán bộ, công chức, viên chức của TP trên cơ sở các dự án cải tạo chung cư cũ hiện có”- ông Mãi cho hay.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng nhận khuyết điểm trước các đại biểu HĐND TPHCM về vấn đề một số Nghị quyết của HĐND còn chậm triển khai.
Đồng thời, ĐB đề nghị Chủ tịch UBND TP có thể thông tin cụ thể hơn sẽ triển khai chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 như thế nào.