Nhìn vào những sự việc gần đây như việc “thánh cô” ở Thái Nguyên chữa bệnh bằng cách lột quần áo, giẫm đạp lên người hay “thánh cô” trước cổng BV K Trung ương dùng phù phép để chữa bệnh…, GS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, cho rằng nguyên nhân của tất cả hiện tượng này đều xuất phát từ việc bị hụt hẫng tinh thần.
Đẩy dân vào mê tín khi người trong chùa cũng tham tiền
. Phóng viên: Thưa ông, sự hụt hẫng tinh thần mà ông nói biểu hiện như thế nào?
+ GS Trần Lâm Biền: Sự hụt hẫng tinh thần làm cho người ta tin ở mọi sự nhảm nhí. Khi họ mất niềm tin ở một cái này thì họ phải tin vào cái kia.
. Giáo sư có thể nêu dẫn chứng cụ thể về những sự mất mát niềm tin đó?
+ Sự mất mát niềm tin có thể nhìn thấy ở nhiều nơi. Ví dụ như việc chữa bệnh cũng có những tiêu cực ở trong y tế, rồi tiêu cực ở trong đền, chùa. Niềm tin đó không có khi mà bản thân họ đang đói vì còn bận lo cái ăn, chưa lục vấn tinh thần. Nhưng khi cái ăn mặc, ở, đi lại thuận tiện, người ta không phải bận tâm thì sẽ lục vấn tinh thần và cảm thấy mất niềm tin.
. Sự hụt hẫng đó có nguyên nhân nào từ xã hội, cụ thể như sự giáo dục, thưa giáo sư?
+ Đương nhiên là có. Ví dụ, ở trong các chùa hay các đền, miếu người ta nói thật tốt về Đức Phật và dùng những lời lẽ của Đức Phật để dạy dỗ con người, nếu người ta tin vào đó rồi thì người ta không còn tin vào những cái nhảm nhí nữa. Thế nhưng chính những người ở trong chùa hay đền, miếu lại chỉ nghĩ đến chuyện lấy tiền của dân mà không giáo dục nhân dân về đạo đức thì tất nhiên họ sẽ bị hụt hẫng.
Mới đây, vẫn có nhiều người đem sinh mạng đặt vào tay chữa bệnh của “thánh cô” ở BV K Trung ương, ngay giữa lòng Hà Nội.
Mê tín đến mức trần truồng, tự tử
. Ở xã hội ta hiện tượng mê tín dị đoan có vẻ ngày càng nhiều lên, ông nghĩ gì về thực tế này?
+ Chuyện đó ở bất cứ nước nào cũng có, ngay cả ở bên Mỹ cũng vậy. Như tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, cứ ở đâu, lúc nào mà con người rơi vào trạng thái mất niềm tin, dẫn đến tinh thần bị hụt hẫng thì tâm hồn họ dễ bị lung lay bởi những lời dụ dỗ, những chuyện nhảm nhí như vậy. Và cũng không chỉ ở nước ta mà trên thế giới cũng vậy, nguy cơ từ sự mê tín dị đoan tai hại vô cùng.
. Ông có thể dẫn chứng về những nguy cơ tai hại mà mê tín dị đoan gây ra?
+ Ở cấp độ lớn, chẳng hạn trên thế giới là bọn IS, họ tin một cách mù quáng chứ Hồi giáo không dạy người ta như thế nhưng chúng đã lợi dụng sự hụt hẫng tinh thần để tuyên truyền láo. Ở nước ta năm 1994 có nhiều phụ nữ không có bệ đỡ về đạo Phật, thờ Mẫu hay các đạo khác, tự nhiên họ nghĩ cần phải xóa bỏ thực tại để đi tìm tương lai tốt đẹp hơn. Thực tại theo họ nghĩ đó là quần áo thì họ đem đốt sạch, cởi trần… Ác nghiệt hơn còn có việc tự tử tập thể.
Tất cả chỉ là lừa bịp
. Là một nhà nghiên cứu văn hóa, tâm linh, ông có chút niềm tin nào vào những người tự xưng là được thánh cho lộc và có khả năng chữa bệnh?
+ Không có một chút nào hết, tất cả chỉ là lừa bịp. Một bên thì bất cứ cái gì cũng tin, một bên thì lợi dụng lòng tin đó để kiếm tiền. Hết, không có gì phải bàn cãi.
. Những đối tượng nào thường dễ bị rơi vào trạng thái mà ông nhiều lần đề cập là “hụt hẫng tinh thần”?
+ Thực tế là tất cả người trí thức và những người có tôn giáo, tín ngưỡng không có chuyện ấy. Chỉ có những tầng lớp không phải là tín đồ, không phải là trí thức với sự hiểu biết kém cỏi mới dễ rơi vào tình trạng đó, nhất là lại có những kẻ hô hào về chuyện này như những người làm ngoại cảm, đó chính là bệ đỡ cho lòng tin nhảm nhí. Tuy nhiên, cũng có những trí thức, cán bộ đã mất phẩm chất, không biết để cái trí lên đầu thì cũng dễ bị rơi vào tình trạng này. Các cụ nói “phi trí bất hưng”, lấy trí tuệ ứng xử mọi sự thì chẳng có gì sai lầm.
. Ông đánh giá thế nào về mê tín dị đoan ở thời điểm bây giờ so với trước kia?
+ Ngày xưa cũng có tình trạng này nhưng không như bây giờ. Bây giờ nó có nhiều kiểu hơn, nó lừa bịp giỏi hơn và tất yếu như tôi đã nói khi họ không phải lo cho cái bụng, xoa dịu cơn đói nữa thì họ sẽ lục vấn tinh thần, khi lục vấn thì sự hụt hẫng dễ xảy ra. Ngày nay, chúng ta thấy ngoài xã hội những hiện tượng của mê tín, dị đoan như cúng bái, đốt đồ mã vô tội vạ; có những người đi lễ mồm xoen xoét, mặt ráo hoảnh, không thành tâm.
Cần sử dụng hết quyền năng của cây gậy pháp luật
. Theo ông, có cách gì để loại bỏ dần những hiện tượng này?
+ Phải có một sự giáo dục nghiêm cẩn thôi, xã hội phải đón trước để giáo dục. Giáo dục phải có chủ trương, nếu mà các cơ quan, các trường học bỏ rơi trách nhiệm của mình sẽ đi đến tình trạng ấy. Bên cạnh đó cũng phải có tuyên truyền. Ngoài ra phải mạnh tay với những kẻ bày ra những trò mê tín dị đoan ấy. Bản thân họ đều biết đó là nhảm nhí nhưng đồng tiền đã đẩy họ đi quá đà, càng ngày càng xô đẩy sự nhảm nhí để người ta tin, người ta càng mù quáng bao nhiêu thì chúng càng móc túi được nhiều bấy nhiêu.
. Còn vai trò của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng khác thì sao, ông đánh giá như thế nào về trách nhiệm của họ?
+ Đúng là chúng ta có đầy đủ cái gậy pháp luật nhưng những người thi hành pháp luật lại chưa sử dụng nó để giữ an bình cho xã hội. Cần phải hiểu rằng chúng ta tôn trọng tự do tín ngưỡng nhưng tự do tín ngưỡng cho anh cũng không thể để nhảm nhí của anh ảnh hưởng đến người khác, bởi thế là phạm vào tự do tín ngưỡng.
. Xin cám ơn ông.
Đại diện Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế): Không nên nghe theo những lời đồn thổi Trên thế giới chưa có nghiên cứu hay chứng minh khoa học nào về việc giẫm, đạp lên người bệnh có thể chữa ung thư hay nhiều bệnh khác. Càng không thể sờ, nắn bên ngoài mà có thể chữa khỏi bệnh được. Người bệnh không nên nghe theo những lời đồn thổi rồi tin theo để vừa tiền mất mà tật vẫn mang. PGS-TS TRẦN VĂN THUẤN, Phó Giám đốc BV K Trung ương: Chữa bệnh theo mê tín sẽ làm mất “thời gian vàng” điều trị Người dân có tâm lý có bệnh thì vái tứ phương nhưng tôi cho rằng người bệnh cần hết sức tỉnh táo, tránh vái những phương không chính thống. Người dân không nên vì nghe theo những lời tự xưng thần, thánh bỏ ngang lộ trình chữa trị theo phác đồ của bệnh viện mà chuyển sang các biện pháp chữa trị không chính thống khác. Điều này sẽ làm mất đi “thời gian vàng” trị bệnh và phải chịu những tác hại không mong muốn. H.HÀ ghi |