TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chia sẻ như trên tại tọa đàm liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh, do Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế Bộ Tư pháp tổ chức ngày 27-9.
Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu cho rằng các giấy phép con biến thiên hằng ngày vì được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật và cứ mỗi lần có một văn bản được ban hành thì điều kiện kinh doanh lại thay đổi.
Ông Hiếu ví von các điều kiện kinh doanh giống một ma trận và gợi ý liên tưởng tới một cái cây. “Giả sử luật quy định là cha (cái cây) thì nghị định là điều kiện con (cành cây), thông tư là các điều kiện cháu, chắt... Theo ma trận hình cây như thế, mỗi lần chúng ta sửa một quy định nào đó thì nó lại thay đổi trật tự và cấu trúc của nó” - ông Hiếu nói.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú cho biết Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) rà soát thống kê Việt Nam có khoảng 100.000 văn bản quy phạm pháp luật trong khi Nhật Bản có khoảng 8.000 văn bản này. Tuy nhiên, cách đây hơn hai năm, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường khi đối thoại với các doanh nghiệp (DN) ở TP.HCM đã ước lượng có khoảng 1 triệu văn bản quy phạm pháp luật tính từ trung ương tới cấp xã.
“Với ma trận văn bản như vậy làm sao DN hiểu được khi mà ngay cả cơ quan quản lý nhà nước chúng tôi cũng không nắm hết được. Chưa kể hiểu luật là một chuyện, áp dụng lại là chuyện khác. Khi tiếp xúc với DN, họ nói thẳng: Chúng tôi không cần và chưa muốn bộ, ngành đồng hành cùng DN. Chúng tôi muốn bộ, ngành, các cơ quan nhà nước đừng hành DN đã là quá tốt rồi” - ông Tú nói.
Trong bài phát biểu của mình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ KH&ĐT Quách Ngọc Tuấn đánh giá nhiều điều kiện đã hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của các DN mới thành lập khi đưa ra các yêu cầu về vốn, quy mô, kinh nghiệm, năng lực sản xuất... Chưa kể nhiều điều kiện không rõ ràng như yêu cầu “đạo đức tốt” hay “sức khỏe tốt”...
“Những người đã được xóa án tích thì có được coi là đạo đức tốt không? Với điều kiện về sức khỏe thì ai khám, mà cơ bản là sức khỏe tốt thôi, vậy đặt ra những điều kiện đó làm gì để DN thêm khó khăn” - ông Tuấn đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu chia sẻ: “Rà soát các điều kiện kinh doanh, cá nhân tôi đọc khoảng 4.000 điều kiện kinh doanh. Đọc xong tôi thấy lúng túng và tự nhiên mất đi mong muốn kinh doanh. Tôi thấy làm sao để tuân thủ điều kiện kinh doanh đã không dễ dàng, chưa nói đến việc làm thế nào để sống sót trên thương trường”.
Tuy vậy, ông Hiếu lạc quan cho rằng có thể yên tâm bãi bỏ 50%-60% điều kiện kinh doanh mà không gây ảnh hưởng tiêu cực gì. Thực tiễn từ Bộ Công Thương vừa qua (cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh, chiếm tới 55,5% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh hiện hành, PV) cho thấy không có vấn đề gì không thể làm được, vấn đề chỉ ở chỗ có làm hay không làm mà thôi.