Chiều 31-3, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo thường kỳ quý I-2016. Tại cuộc họp các PV đặt ra nhiều câu hỏi với lãnh đạo Bộ Tài chính về chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu, đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu,…
Chưa tăng thuế môi trường xăng dầu
Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Một trong những giải pháp được đề cập tại báo cáo này là “nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền tiếp tục điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu”.
Tuy nhiên, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay báo cáo tài chính nêu trên gửi Quốc hội là tính đến phương án ngân sách trung hạn trong trường hợp ngân sách khó khăn, trong đó có thể tính đến các giải pháp thuế.
“Chính sách sẽ phải điều chỉnh bổ sung nhưng với từng sắc thuế thì phải đánh giá từ thực tiễn, từ mục tiêu, định hướng chung và sẽ có đề xuất cụ thể. Bộ Tài chính cũng chưa có kế hoạch trình Chính phủ phương án tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu” - bà Mai khẳng định.
Năm ngoái, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Trong đó riêng thuế môi trường với xăng tăng từ 1.000 lên 3.000 đồng/lít (theo quy định hiện nay, khung kịch trần với thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là 4.000 đồng/lít) và sau đó được Quốc hội đồng ý thực hiện từ tháng 5-2015. Việc tăng thuế môi trường này đã bị dư luận cũng như các chuyên gia kinh tế phản ứng. Bởi tăng thuế đồng nghĩa giá bán lẻ xăng dầu tăng lên.
Thế nhưng, khi được hỏi về số tiền thu từ khoản thuế này trong năm ngoái là bao nhiêu và Bộ Tài chính chi vào những khoản nào thì Thứ trưởng Vũ Thị Mai không đưa ra được con số cụ thể. Bà Mai giải thích: “Số liệu thu thuế bảo vệ môi trường bao gồm nhiều mặt hàng, trong đó có xăng dầu. Bộ xin khất và hẹn sẽ cung cấp sau cho PV”.
Việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đồng nghĩa giá bán lẻ xăng dầu tăng lên. Ảnh: HT
Sẽ xử lý trách nhiệm vì tính sai thuế
Cũng liên quan đến thuế xăng dầu, tại cuộc họp có rất nhiều câu hỏi truy vấn Bộ Tài chính về khoản chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu 3.500 tỉ đồng mà người tiêu dùng bị “móc túi”.
Bà Mai cho biết những vấn đề liên quan đến khoản tiền chênh lệch này đã được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo trước Chính phủ. Theo đó, Bộ Tài chính đã nhận sai và chịu trách nhiệm, đồng thời sửa đổi cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu trong giá cơ sở theo cách bình quân gia quyền. Nghĩa là mức thuế tính giá xăng trước đây 20%, nếu theo cách bình quân gia quyền sẽ chỉ còn 18,08%. Cách tính này sẽ đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng hơn.
Về số tiền chênh lệch, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết qua rà soát, số tiền hoàn thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt còn lại là 3.120 tỉ đồng. Trong đó có 2.794 tỉ đồng là của 11 doanh nghiệp (DN) nhà nước và 325 tỉ đồng của các DN tư nhân.
Theo bà Mai, sắp tới Bộ Tài chính sẽ thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về thuế ở các DN xăng dầu.
“Khi có kết luận thanh tra, Bộ Tài chính sẽ có biện pháp xử lý, tùy vào thực tế. Từ đó Bộ sẽ làm rõ trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan theo quy định” - bà Mai cam kết.
Không nên tìm mọi ngóc ngách để tăng thuế Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng Bộ Tài chính không nên có đề xuất tăng thuế môi trường với xăng dầu. Nếu tăng thuế môi trường xăng dầu, ngân sách có thêm khoảng 9.000 tỉ đồng. Nhưng nếu tăng thuế sẽ gâp áp lực lên người tiêu dùng, tạo ra sự bất ổn cho nền kinh tế. Vị chuyên gia này cũng cho rằng không nên chỉ chăm chăm vào tăng thuế để bù đắp thiếu hụt ngân sách, nhất là tìm mọi ngóc ngách để tăng nguồn thu từ thuế xăng dầu. Bởi hiện mỗi lít xăng, người tiêu dùng đang gánh khoảng 50% các loại thuế và phí. “Với trách nhiệm là cơ quan nắm chìa khóa ngân khố, Bộ Tài chính cần phải kiểm soát nguồn chi ngân sách để tiết kiệm cho ngân sách quốc gia chứ không nên cứ nhắm vào tăng thuế. Trong nền kinh tế, nhà điều hành cần giảm thuế để kích thích sản xuất, kinh doanh phát triển. Từ đó tăng nguồn thu từ các hoạt động khác của DN” - ông Long nêu quan điểm. Bội chi ngân sách hơn 47.000 tỉ đồng Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước quý I năm nay đạt 230.000 tỉ đồng, bằng 22,7% dự toán, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng chi ngân sách nhà nước ước 277.000 tỉ đồng, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2015. Bội chi ngân sách ước 47.000 tỉ đồng. |