Trên đây là quan điểm của ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, khi trao đổi với báo chí liên quan đến câu chuyện chênh lệch trong tính thuế nhập khẩu xăng dầu, gây thiệt cho người tiêu dùng.
Theo đó, ông Thụ cho rằng khi đã ký cam kết hội nhập thì Việt Nam cũng phải tuân thủ các cam kết quốc tế về thuế. Đó là điều rất bình thường. Tuy nhiên, thực tế lâu nay giá xăng dầu được tính theo mức thuế thông thường, trong khi xăng dầu nhập về chủ yếu từ các nước được ưu đãi về thuế. Điều này dẫn đến giá bán lẻ xăng dầu không phù hợp với thực tế, làm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp (DN) trong khi người tiêu dùng bị “móc túi” hàng ngàn tỉ đồng.
“Do đó trước mắt cơ quan quản lý cần sửa ngay các văn bản liên quan, nhất là quy định tính giá cơ sở với các cam kết quốc tế, đảm bảo hài hòa giữa Nhà nước, DN và người tiêu dùng. Tiếp đến Nhà nước cần đưa khoản tiền chênh lệch từ thuế ưu đãi nhập khẩu xăng dầu vào quỹ bình ổn giá để sử dụng khi giá xăng dầu tăng cao nhằm bù đắp thiệt hại cho người tiêu dùng. Bởi nếu trả ngay số tiền đó cho người dân sẽ rất khó do chúng ta chưa có cơ sở pháp lý cho vấn đề này” - ông nêu quan điểm.
Trước đó, Pháp Luật TP.HCM đã có bài phản ánh việc cơ quan quản lý áp thuế nhập khẩu xăng dầu sai khiến người tiêu dùng bị “móc túi” khoảng 3.500 tỉ đồng. Số tiền chênh lệch này đã rơi vào túi DN. Một số chuyên gia tính toán khoản thuế chênh lệch trên đã giúp các DN đầu mối xăng dầu có thể hưởng lợi khoảng 200-300 tỉ đồng mỗi tháng.
Cũng trong ngày 21-3, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã cho phép các DN xăng dầu điều chỉnh tăng giá bán. Theo đó, giá xăng RON 92 tăng 670 đồng/lít lên mức giá tối đa 14.442 đồng/lít, xăng E5 tăng 570 đồng lên 13.891 đồng/lít. Trong khi đó, các mặt hàng dầu chỉ có diesel được tăng giá với mức 293 đồng/lít lên 9.873 đồng/lít.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đồng ý để các DN trích quỹ bình ổn giá xăng RON 92 là 1.047 đồng/lít, xăng E5 1.115 đồng/lít, dầu diesel 989 đồng/lít, dầu hỏa 909 đồng/lít và dầu madút 231 đồng/kg.