Chữa đái dầm bằng tâm lý

Đã tám tuổi, vậy mà tự dưng bé NQV (quận 3, TP.HCM) đột ngột sinh tật đái dầm suốt mấy tháng nay. Gia đình lo lắng nên đã đưa em đến khoa Thận-Niệu BV Nhi đồng 2 khám bệnh. Qua thăm khám và làm xét nghiệm, các bác sĩ không tìm thấy sự bất thường nào ở hệ tiết niệu nên đã chuyển em sang khoa Tâm lý để điều trị.

Trẻ đái dầm do… cha mẹ ly hôn

Chuyên viên tâm lý Trương Quốc Cường, khoa Tâm lý - BV Nhi đồng 2, cho biết: “V. nhớ khá rõ lúc em bắt đầu mắc tật đái dầm. Em cũng cho rằng do ba vắng nhà, em buồn và nhớ ba nên mới như thế”. Khi trò chuyện với người mẹ thì chuyên viên tâm lý biết là ba mẹ của bé V. đã chia tay. Mẹ của V. đã giấu chuyện này mà chỉ nói với con là ba đi công tác xa. Bà cũng công nhận là V. sinh tật đái dầm đúng vào thời điểm hai người chia tay nhau, bé V. đã ít nói hơn và luôn hỏi thăm ba trong suốt thời gian đó.

Biết được nguyên nhân, chuyên viên tâm lý dành thời gian để trò chuyện với V. nhiều hơn, hướng bé vào những hoạt động tích cực như vẽ tranh về gia đình, kể chuyện về gia đình các loài vật... Thông qua những câu chuyện đó, các chuyên viên tâm lý giải thích với bé V. về nguyên nhân ba mẹ em chia tay và hướng em đến những suy nghĩ tốt hơn. Sau ba tháng điều trị, hiện tượng đái dầm của V. tự nhiên chấm dứt mà không cần thuốc men gì. Chuyên viên tâm lý Trương Quốc Cường cho biết: “Nguyên nhân đái dầm ở trẻ đa phần không do những tổn thương từ cơ thể mà nó xuất phát từ sự rối loạn về tâm lý. Để điều trị, chúng ta phải tìm được nguyên nhân gây ra, sau đó sẽ định hướng lại hành vi, tư tưởng cho trẻ. Khi trẻ đã ổn định về tinh thần thì tự khắc tật xấu đó cũng chấm dứt”.

Chữa đái dầm bằng tâm lý ảnh 1

Cha mẹ nên lắng nghe và trò chuyện với trẻ sẽ giúp trẻ trong việc điều trị đái dầm. Trong ảnh: Một ca tư vấn tại khoa Tâm lý BV Nhi đồng 2. Ảnh: HUYỀN VI

Mẹ xem phim kinh dị, con đái dầm!

Theo bác sĩ Đặng Ngọc Thạch, khoa Tâm lý - BV Nhi đồng 2, trẻ mắc chứng đái dầm có thể do gen di truyền từ cha mẹ hoặc do rối loạn trong giai đoạn phát triển, bị bạo hành, bị lạm dụng tình dục, cha mẹ chia tay... Đôi khi do lo sợ trẻ cũng bị đái dầm. Bác sĩ Thạch kể: “Cách đây không lâu, khoa Tâm lý có tiếp nhận một bệnh nhi bảy tuổi. Các bác sĩ khoa Thận-Niệu không tìm thấy nguyên nhân bệnh lý nào ở bé. Tôi trò chuyện với bé thì mới biết mẹ của bé thường hay xem phim kinh dị vào ban đêm nên bé sợ ma và không dám dậy đi tiểu. Chuyện này kéo dài và sau đó bé sinh tật… đái dầm. Người mẹ cũng bất ngờ về nguyên nhân này. Chị thừa nhận thường xem phim vào buổi tối nhưng không nghĩ là bé bị ảnh hưởng như vậy”.

Để điều trị tật đái dầm do tâm lý, bác sĩ Thạch cho rằng cha mẹ phải thường xuyên trò chuyện và lắng nghe suy nghĩ của con. Qua đó, cha mẹ sẽ hiểu được những vướng mắc trẻ đang gặp phải. Phụ huynh không nên la mắng, phạt hay lăng nhục trẻ khi trẻ đái dầm mà phải tỏ ra yêu thương và chia sẻ. Cha mẹ nên khen thưởng khi thấy trẻ không đái dầm, từ đó giúp trẻ kiểm soát được hành vi tiểu tiện. Việc tạo môi trường an toàn và thư giãn (để nhạc và đèn đủ ánh sáng trong toilet) cũng sẽ góp phần giải quyết hữu hiệu chứng đái dầm ở trẻ.

Đái dầm là gì?

Trẻ 0-3 tuổi (do chưa tự chủ được ý muốn của bản thân) nên đái dầm là chuyện bình thường. Trẻ từ năm tuổi trở lên (khi đã tự chủ được ý muốn) mà vẫn đái dầm thì đó có thể là biểu hiện của bệnh đái dầm. Đái dầm được coi là triệu chứng hơn là một bệnh lý vì thường xuất hiện đơn độc không kèm theo các biểu hiện khác.

Để chữa trị, phụ huynh có thể giúp trẻ bằng cách: Động viên con thức dậy ban đêm để đi tiểu (lời khuyên này rất quan trọng), tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi tiểu của trẻ, khuyến khích trẻ uống nhiều nước vào ban ngày (sẽ sản xuất ra nhiều nước tiểu làm bàng quang của trẻ lớn hơn). Ngoài ra, phụ huynh nên cho bé uống ít nước trong 2 tiếng trước khi bé đi ngủ, hạn chế thói quen dùng tã vì sẽ cản trở việc bé thức dậy đi tiểu vào ban đêm. Người lớn không nên trách mắng hay phạt khi trẻ đái dầm vì điều này sẽ càng làm tật xấu này khó chữa hơn.

Bác sĩ PHẠM NGỌC THẠCH, khoa Thận-Niệu BV Nhi đồng 2

. Đái dầm ở trẻ chỉ xảy ra vào ban đêm?

+ Sai. Đái dầm vào ban ngày thường ít gặp hơn nhưng vẫn có những biểu hiện giống như đái dầm vào ban đêm, tức là sự bài tiết nước tiểu không chủ ý của trẻ khi ngủ trên giường hoặc trong quần.

. Triệu chứng đái dầm hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân?

+ Đúng. Nhiều giả thuyết đã được nêu lên như: Sự chậm hoàn thiện của cơ chế kiểm soát tiểu, yếu tố di truyền, các sang chấn về tâm lý, rối loạn trong sản xuất các hormone chống bài niệu cũng như các bệnh thực thể của đường tiết niệu… Tuy nhiên, những trẻ bị đái dầm do co giật, bệnh lý thần kinh, cấu trúc bất thường của hệ niệu hay bệnh lý cơ thể (tiểu đường, spinabifida, co giật…) thì không phải là biểu hiện của triệu chứng đái dầm.

HUYỀN VI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm