Ngay lập tức dự thảo quy tắc này nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Các ý kiến đồng tình và không đồng tình đều có lập luận riêng của mình.
Lãnh đạo Sở Nội vụ TP cho biết việc ra đời bộ quy tắc này là nhằm nâng chất văn hóa ứng xử của CBCC, phục vụ người dân ngày một tốt hơn, xứng đáng với tiền thuế mà họ đã đóng góp. Những ý kiến đồng tình với dự thảo cho rằng đã là CBCC thì phải “chuẩn không cần chỉnh”, mà chuẩn đầu tiên chính là trang phục và giao tiếp vì đây sẽ là những ấn tượng ban đầu đối với người dân khi đến cơ quan công quyền.
Các ý kiến phản đối cho rằng mặc gì cũng được miễn là làm được việc, là tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân chứ không phải ở chiếc áo hay cái quần. Theo các ý kiến này thì chiếc áo không làm nên thầy tu.
Đúng là tinh thần, thái độ và trách nhiệm của CBCC là việc làm lâu dài và bắt buộc phải làm. Thế nhưng đó lại thuộc phạm trù khác, còn ở đây là ở hình thức bên ngoài của người CBCC. Học thuyết Nho gia có thuyết “Chính danh”. Theo đó, danh có chính thì ngôn mới thuận. Vậy nên để chấn chỉnh nội dung thì phải chỉnh từ hình thức trước. Cụ thể là bắt đầu từ tác phong, trang phục người ấy mặc trên mình, đó là điều đáng làm chứ không phải chỉ là cái vỏ rỗng không.
Ở Việt Nam, ăn vỉa hè, cà phê bệt đã trở thành quen thuộc, thế nhưng tại sao chúng ta rất ít khi bắt gặp các sĩ quan công an, quân đội mặc sắc phục ngồi xổm, ăn uống ở vỉa hè? Lý do là hình ảnh đó sẽ rất phản cảm. Ngay chính những người sĩ quan khi đã khoác lên mình bộ sắc phục thì bộ áo cũng đã đặt họ trong khung chuẩn “chính danh”. Một người mặc trang phục chuẩn mực, đeo bảng tên trong khi thi hành nhiệm vụ sẽ luôn luôn tự nhắc mình về thể diện, trách nhiệm đang thực hiện và họ sẽ biết tự điều chỉnh thái độ, tác phong trong công vụ của mình.
Chắc rằng sẽ ít có người CBCC nào trang phục chỉnh tề, bảng tên rõ ràng lại văng tục, mất lịch sự, xử sự không văn hóa khi tiếp xúc với người dân… Việc thực hiện những chuẩn mực này còn tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia giám sát CBCC. Tất nhiên quy định là việc nên làm nhưng cần phải đi với chế tài cụ thể để có thể xử phạt CBCC không tuân thủ quy định đã đặt ra. Quy chuẩn thì phải thực chất chứ không phải đặt ra cho đủ bộ rồi vẫn để sai phạm rần rần cho đến khi bị nói, bị nhắc thì bổn cũ soạn lại là “rút kinh nghiệm”. Đúng là chiếc áo không làm nên thầy tu, thế nhưng đã là thầy tu đương nhiên phải mặc áo cà sa.