Chứng chỉ lái xe: Gây lãng phí và tốn kém thời gian

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi quy định: Người có giấy phép lái xe ô tô muốn hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải (KDVT) phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và được cấp Chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô KDVT.

PLO đã nhận được nhiều ý kiến cho rằng việc này làm phát sinh thêm một loại giấy phép con.  

Lái xe đã là một nghề

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, cho biết quy định của Luật GTĐB hiện hành đã thiết kế chương trình đào tạo lái xe là một lĩnh vực đào tạo nghề.

Bộ GTVT đề xuất, lái xe KDVT phải có chứng chỉ hành nghề. Ảnh: TN

Theo ông Quyền, trong chương trình đào tạo và sát hạch giấy phép lái xe, người học đủ nội dung, cơ sở phải tổ chức kiểm tra. Theo đó, người đạt sẽ được cấp chứng chỉ nghề. Sau đó, hội đồng sát hạch mới đưa tên thí sinh đủ điều kiện vào thi sát hạch, cấp GPLX. Sau khi có GPLX là đủ điều kiện để lái xe KDVT.

“Bây giờ, dự luật lại không quy định lĩnh vực đào tạo lái xe là lĩnh vực dạy nghề nữa. Theo tôi giữ quy định như cũ là phù hợp hơn vì người lái xe, ngoài việc đảm bảo an toàn giao thông thì họ cũng là người học nghề, để đảm bảo đội ngũ nhân lực cho nghề này. Cả hai phải lồng ghép với nhau chứ không nên chia cắt, gây phiền hà cho người dân, tốn kém về thời gian và chi phí” - ông Quyền nhấn mạnh.

Cũng theo ông Quyền, hiện nay số lượng tài xế KDVT trên 7-8 triệu người, nếu đòi hỏi thêm chứng chỉ hành nghề như thế này thì sẽ xử lý ra sao. Trong khi đó, đội ngũ lái xe vận tải hạng nặng và lái xe khách loại lớn lại thiếu nhân lực. Nếu quy định thêm chứng chỉ sẽ càng thu hẹp lượng nhân lực này.

Không phù hợp với thực tiễn doanh nghiệp

Đồng tình, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM, cho rằng đây là quy định gây lãng phí. Chứng chỉ hành nghề là cấp cho doanh nghiệp, người lái xe chỉ nên tập huấn kỹ năng hành nghề, kỹ năng phục vụ.

Ông Quản phân tích thêm: “Nghề lái xe là đã được cấp bằng lái rồi thì chứng chỉ hành nghề nhằm mục đích gì?”

Theo ông Quản, ngành vận tải là tổng quát chung, còn nghiệp vụ của từng doanh nghiệp đòi hỏi sao thì mỗi đơn vị sẽ tập huấn theo cách riêng. Chứng chỉ tập huấn hiện nay theo Thông tư 12/2020 của Bộ GTVT là đã phù hợp.

Về phía doanh nghiệp, theo ông Dương Tiến Thự, Giám đốc HTX xe vận tải du lịch taxi 27/7, mỗi tài xế đã qua sát hạch và đáp ứng quy định về điều kiện kinh doanh thì mới được hành nghề lái xe KDVT. Hiện nay, quy định biển số vàng, phù hiệu, tem đăng kiểm đều nhằm mục đích phân biệt xe KDVT rồi.

“Bắt buộc có thêm chứng chỉ hành nghề đối với lái xe KDVT không có nghĩa là giảm thiểu được tai nạn. Thay vào đó, Luật GTĐB nên đề cao tính an toàn hơn” - ông Thự góp ý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới