Sửa quy định buộc lái xe vận tải phải có chứng chỉ hành nghề

Bộ GTVT vừa cho biết dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) nhận được rất nhiều ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia và người dân. Trong đó, quy định lái xe kinh doanh vận tải (KDVT) phải có chứng chỉ hành nghề lái xe KDVT được quy định tại Điều 9 và 109 của dự luật nhận nhiều ý kiến phản đối.

Theo Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), việc đề xuất quy định chứng chỉ hành nghề vào dự luật được nghiên cứu dựa theo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, các nước phát triển và có công tác quản lý về an toàn giao thông tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản.

“Tuy nhiên, sau khi nhận được ý kiến đóng góp, ban soạn thảo dự luật giao thông đã nghiên cứu, chỉnh sửa theo hướng khi học bằng lái xe, người lái xe có thể đăng ký để được đào tạo về nghiệp vụ hành nghề lái xe KDVT (nếu có nhu cầu). Qua đó, tài xế được cấp đồng thời giấy phép lái xe và chứng chỉ hành nghề lái xe KDVT…” - lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) thông tin.

Theo đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), mục tiêu của chứng chỉ hành nghề lái xe KDVT là nhằm đảm bảo người lái xe có đủ kỹ năng lái xe an toàn, đảm bảo an toàn giao thông, tính mạng của hành khách… Tuy nhiên, lái xe KDVT hay không KDVT thì đều phải đảm bảo yếu tố an toàn.

Cạnh đó, để được cấp giấy phép lái xe, người lái xe phải hoàn thành khóa đào tạo và trải qua kỳ thi sát hạch để được cấp phép. Nếu quy định có chứng chỉ hành nghề, lái xe KDVT lại phải tiếp tục đào tạo để được cấp chứng chỉ sẽ tăng thủ tục xin cho không cần thiết. “Đồng thời, quy định này tạo gánh nặng về thủ tục, chi phí và thời gian của lái xe hoặc doanh nghiệp nên cần bỏ…” - đại diện VCCI cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng lâu nay quy định đối với lái xe KDVT định kỳ ba năm tập huấn để cập nhật các quy định mới, các tiến bộ khoa học công nghệ là phù hợp và đã đi vào cuộc sống.

Hiện nay, việc phân biệt giữa xe KDVT và không KDVT chỉ là tương đối. Việc quy định có thêm chứng chỉ hành nghề sẽ khiến công tác tuyển dụng lái xe ở các đơn vị KDVT sẽ càng khó khăn hơn, vận tải công cộng khó phát triển hơn.

“Trong khi đó, xét về sự cần thiết, việc lái xe KDVT hay không thì người lái xe đều phải nắm được cả về lý thuyết và có kỹ năng đạt yêu cầu về nghiệp vụ vận tải, kỹ năng lái xe an toàn. Nên quy định có thêm chứng chỉ là không cần thiết…” - ông Quyền cho hay.

Bỏ nhiều quy định trong luật hiện hành

Bộ GTVT cho biết dự luật giao thông đường bộ mới nhất cũng tiếp thu bỏ điều kiện về chứng chỉ người điều hành vận tải, chứng chỉ người phụ trách quản lý an toàn giao thông.

Cạnh đó, so với Luật Giao thông đường bộ hiện hành, dự luật lần này bỏ điều kiện đơn vị KDVT phải có nơi đỗ xe. Bỏ điều kiện doanh nghiệp, hợp tác xã KDVT hành khách bằng xe buýt, taxi phải đăng ký tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách với các cơ quan có thẩm quyền và phải niêm yết công khai. Bỏ điều kiện về đảm bảo số lượng xe, nhân viên phục vụ trên xe phù hợp với phương án kinh doanh.

Ngoài ra, dự luật cũng bỏ điều kiện nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn nghiệp vụ KDVT, an toàn giao thông. Bỏ điều kiện các doanh nghiệp, hợp tác xã mới được KDVT hành khách theo tuyến cố định, KDVT hành khách bằng xe buýt, taxi, xe container phải có bộ phận quản lý an toàn giao thông… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm