“Hiện Văn phòng Quốc hội có thông báo đưa Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội. Tại kỳ họp vào tháng 10 tới, Bộ GTVT sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội…”.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thông tin như trên tại buổi họp ban soạn thảo, tổ biên tập để lấy ý kiến về dự luật giao thông đường bộ, diễn ra ngày 8-5.
Dự luật giao thông lần này bổ sung nhiều quy định mới. Ảnh: V.LONG
Theo ông Nguyễn Văn Thể, ban soạn thảo dự luật cần tập trung vào các nội dung trong còn có ý kiến khác nhau. Cạnh đó đề xuất giải pháp quản lý các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn, như phương tiện mới, chính sách huy động vốn, cơ chế quản lý...
“Đơn cử như taxi bay, nếu sau này đi vào thực tiễn cuộc sống đã được quy định tại luật, khi đó Chính phủ sẽ có nghị định hướng dẫn để cụ thể hóa… Chúng ta phải đảm bảo dự luật có sức sống từ 10 năm trở lên” - ông Thể yêu cầu..
Về một số nội dung chồng chéo trong quản lý giữa Bộ GTVT, Bộ Công an, ông Nguyễn Văn Thể đề nghị điểm nào chung sẽ đưa vào dự luật giao thông đường bộ. Nội dung nào riêng, sẽ cụ thể hóa theo quy định của lực lượng vũ trang.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo nghiên cứu quy định theo hướng bắt buộc phải thu phí với đường cao tốc dù đầu tư theo hình thức nào. “Bài học từ cao tốc TP.HCM - Trung Lương khi không thu phí, nhiều loại phương tiện kể cả xe máy cũng đi vào, trở thành đường bình thường, gây khó khăn trong quản lý…” - Bộ trưởng dẫn chứng.
Trước đó, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), cho biết Luật Giao thông đường bộ 2008 đã xuất hiện nhiều bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, dự luật lần này sẽ cập nhật các hành vi cấm, như lái xe sử dụng rượu bia, sử dụng điện thoại di động, không thắt dây an toàn, quay đầu xe trên đường cao tốc… để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
“Bên cạnh đó, các nguyên tắc về khoảng cách, tốc độ, trách nhiệm của chủ phương tiện, các nội dung về báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông cũng được luật hóa…” - bà Nga nói.