Chung cư xây sau 1994, nếu cải tạo thì chủ căn hộ sẽ phải góp kinh phí

(PLO)- Dự thảo Luật Nhà ở quy định đối với các chung cư xây dựng sau năm 1994, nếu cải tạo, xây mới lại thì người dân sẽ phải đóng góp kinh phí xây dựng…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-8, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4 đã cho ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi. Nội dung cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (Chương V của dự thảo Luật) tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý.

Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự luật về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, cho hay một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm di dời người dân ra khỏi chung cư mất an toàn, có nguy cơ sập đổ.

Đồng thời nghiên cứu cải tiến trình tự, thủ tục đầu tư đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để tránh trùng lặp, rút ngắn thời gian, tăng cường thu hút đầu tư.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: QH)

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng (Ảnh: QH)

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Thường trực Ủy ban Pháp luật về việc tiếp thu ý kiến nêu trên để bổ sung một mục (Mục 4 Chương V) gồm các điều 71, 72 và 73 quy định cụ thể về việc di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư; cưỡng chế di dời và phá dỡ nhà chung cư và tại các điều khoản cụ thể khác của Chương V về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Đồng thời, cải tiến trình tự, thủ tục đầu tư đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư như thể hiện tại Điều 63 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Cũng theo ông Tùng, có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần dự liệu phương án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư khả thi hơn trong giai đoạn nhiều năm tới khi các nhà chung cư hiện đại, mới xây dựng trong thời gian gần đây đều đã khai thác tối đa hệ số cao tầng. Sau này khi cải tạo, xây dựng lại thì không thể nâng chiều cao thêm nữa và dự án sẽ không đủ hấp dẫn nhà đầu tư nếu phải thực hiện cơ chế bồi thường với hệ số K như hiện nay.

Đối với vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp thu ý kiến ĐBQH và chỉnh lý các điều 68, 69 và 70 của dự thảo Luật theo hai hướng.

Đối với các chung cư cũ (xây dựng trước năm 1994) thì tiếp tục kế thừa quy định của pháp luật nhà ở hiện hành về việc áp dụng hệ số K bồi thường căn hộ.

Còn đối với các chung cư mới xây dựng sau năm 1994 mà thuộc diện được xây dựng lại vẫn phù hợp với quy hoạch, ông Tùng cho hay: “Các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư và được nộp kinh phí này theo tiến độ thực hiện dự án hoặc sau khi bàn giao căn hộ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt.

Nếu không đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư thì được bồi thường quyền sử dụng đất, giá trị nhà ở còn lại (nếu có) theo quy định của Chính phủ”.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hoá) (Ảnh: QH)

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hoá) (Ảnh: QH)

Góp ý nội dung này, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hoá) đề nghị bổ sung quy định về quyền tự quyết của các chủ sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở.

Cụ thể như quyền chuyển nhượng, cho thuê các khu đất sử dụng chung, bán căn hộ cho tổ chức, cá nhân khác để thực hiện việc khai thác khu đất có hiệu quả, tối đa hóa giá trị đất đai hoặc quy đổi giá trị sử dụng đất thành cổ phần góp vốn với cơ chế phân chia lại lợi nhuận cho các chủ sở hữu nhà bị phá dỡ.

“Hoặc bổ sung giải pháp trưng mua với thiểu số hộ gia đình không đồng ý và cơ chế bồi thường bổ sung nếu có lợi nhuận tăng thêm cho người bị trưng mua” - ông nói và đề nghị cần có giải pháp hợp lý, hài hòa trong cải tạo chung cư cũ để đáp ứng yêu cầu tái thiết chỉnh trang đô thị.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) (Quốc hội)

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) (Quốc hội)

Còn đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) đánh giá cao hồ sơ dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) trình tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này, trong đó có báo cáo Kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư”.

“Vấn đề cải tạo chung cư cũ lâu nay luôn tắc và là điểm nghẽn khi triển khai Luật Nhà ở tại các đô thị lớn. Vì vậy các nguyên tắc cải tạo lại nhà chung cư cũ được báo cáo tiếp thu, giải trình đưa ra là rất cần thiết để tháo gỡ vấn đề này” - đại biểu Mai nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm