Chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có phạm pháp không?

(PLO)- Nam, nữ sống chung (sống thử) với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì có vi phạm pháp luật không?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm nay tôi 24 tuổi, bạn trai tôi 26 tuổi, chúng tôi đã sống chung với nhau như vợ chồng được 3 năm dù không có đăng ký kết hôn. Có những người quen cho rằng việc chúng tôi sống chung là vi phạm pháp luật.

Xin hỏi việc sống chung (sống thử) như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật không?

IMG_9580.jpeg
Sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn không phải là hành vi cấm. Ảnh: MINH HOÀNG

Bạn đọc TTK (TP.HCM)

Luật sư Phan Mậu Ninh, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời, xã hội càng phát triển khiến quan niệm về hôn nhân và gia đình thoải mái hơn. Tình trạng chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn ngày càng phổ biến.

Căn cứ khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có nêu chung sống như vợ chồng (sống thử) là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.

Việc này được chứng minh bằng việc họ có đời sống sinh hoạt chung; có tài sản chung; có con chung với nhau và được mọi người xung quanh thừa nhận là vợ chồng.

Tại Điều 14 Luật này cũng quy định nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cấm các hành vi sau: Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

Yêu sách của cải trong kết hôn; Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn; Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính; Bạo lực gia đình; Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

Như vậy, trường hợp hai bên nam nữ không tồn tại quan hệ hôn nhân, không đăng ký kết hôn mà sống chung (sống thử) như vợ chồng thì pháp luật không cấm và sẽ không vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, việc kết hôn là tự nguyện chứ không có quy định sống chung thì phải đăng ký kết hôn.

Chỉ khi trường hợp rơi vào các hành vi cấm như trên thì sẽ vi phạm pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm