Chương trình bảo vệ nhân chứng ở Mỹ: Ai được bảo vệ?

Bảo vệ nhân chứng (WITPRO) hay Đảm bảo an toàn cho nhân chứng (WITSEC) là chương trình của chính phủ Mỹ do Bộ Tư pháp quản lý và Cục Cảnh sát thuộc Bộ Tư pháp điều hành nhằm bảo vệ nhân chứng trước, trong và sau phiên tòa.

Giúp truy tố hơn 10.000 tên tội phạm

Chương trình này ra đời trên cơ sở Đạo luật Kiểm soát tội phạm có tổ chức năm 1970 và được sửa đổi bởi Đạo luật Kiểm soát tội phạm toàn diện năm 1984. Một vài bang như California, Illinois, New York và Texas có các chương trình bảo vệ nhân chứng của bang khi người làm chứng ở đây không phải là đối tượng được chương trình liên bang bảo vệ. 

Chương trình này đã mang đến một công cụ độc đáo và hiệu quả trong trận chiến của chính quyền chống lại những kẻ âm mưu phạm tội và tội phạm có tổ chức. Từ khi khởi động vào năm 1971 đến nay, ước tính chương trình đã bảo vệ, chuyển chỗ ở và tạo nhân dạng mới cho hơn 8.300 nhân chứng và 9.800 người phụ thuộc của họ. Gần như không có người làm chứng nào bị thiệt mạng khi họ được đưa vào chương trình bảo vệ. Chương trình bảo vệ nhân chứng đã góp phần truy tố thành công 89% các vụ án mà nó tham gia, với hơn 10.000 tên tội phạm hình sự bị kết án.

Một nhân chứng được bảo vệ khi mà lời khai của họ được xác định là cần thiết để truy tố thành công một vụ án hình sự và trong trường hợp cuộc sống của họ và gia đình gặp nguy hiểm. Ngoài ra còn những đối tượng khác cũng được bảo vệ nếu lời khai của họ đáng tin và có cơ sở và cam đoan sẽ không rút lời khai khi ra trước tòa.

Chương trình bảo vệ nhân chứng ở Mỹ: Ai được bảo vệ? ảnh 1

Một nhân chứng được cảnh sát mật bảo vệ. Ảnh: whitehouse.gov

Muốn được bảo vệ: Không dễ

Người trở thành nhân chứng được chương trình bảo vệ là một trong các đối tượng từng phạm tội có tổ chức; buôn bán trái phép ma túy hoặc các trọng tội mà lời khai khiến họ bị trả thù bằng bạo lực hoặc đe dọa dùng bạo lực.

Người làm chứng muốn được thu nhận vào chương trình bảo vệ phải trình báo cho Cục Cảnh sát hoặc Văn phòng Cơ quan thi hành án của Bộ Tư pháp ít nhất 10 ngày. Đơn đề nghị được hưởng chế độ bảo vệ phải trình bày tóm lược lời khai mà nhân chứng sẽ cung cấp cho cơ quan pháp luât, sự đe dọa đối với họ cũng như những hiểm họa mà họ có thể gây ra cho cộng đồng trong môi trường mới nếu buộc phải di chuyển đến nơi khác.

Cục Cảnh sát thuộc Bộ Tư pháp sẽ phỏng vấn nhân chứng và tiên lượng những rủi ro có thể xảy ra trước khi đề nghị đưa họ vào chương trình bảo vệ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp là người quyết định cuối cùng, bộ trưởng sẽ cân nhắc các khía cạnh: thay đổi lý lịch hình sự; thay việc áp dụng chương trình bảo vệ bằng phương pháp khác; lấy lời khai của những nhân chứng khác có tiềm năng. Nếu xác định giá trị lời khai của nhân chứng có trọng lượng hơn mối nguy hiểm đối với cộng đồng mà anh ta có thể gây ra, bộ trưởng Tư pháp có thể nhận cá nhân đó vào chương trình bảo vệ nhân chứng. 

Một số người đang bị giam trong các nhà tù cũng có thể đủ điều kiện trở thành đối tượng được bảo vệ, nếu đáp ứng các tiêu chí của chương trình nhưng phải trải qua một cuộc kiểm tra với máy phát hiện nói dối. Nhân chứng là tù nhân thường bị chuyển đến một nhà tù mới trong thời gian tham gia chương trình để chịu phần bản án còn lại của họ. Khi được ra tù, cơ quan chức năng tái thẩm định để xác định xem họ có cần phải chuyển đến một thành phố an toàn nào đó không.

Sau khi làm chứng: Nhân chứng sẽ “lột xác”

Mục đích của việc bảo vệ an toàn các nhân chứng là để họ có thể làm chứng tại các phiên tòa có thể kết án tội phạm có tổ chức, các băng nhóm hoặc mạng lưới khủng bố. Phần rủi ro cao nhất là khi nhân chứng quay lại để làm chứng. Do đó, hàng loạt biện pháp an ninh được tiến hành vào thời điểm này. Người ta có thể chở nhân chứng bằng xe chống đạn hoặc máy bay trực thăng và thuyền đánh cá. Có trường hợp xử mafia, cảnh sát đem một chiếc xe bọc thép và lực lượng hộ tống để đánh lạc hướng trong khi nhân chứng là cựu thành viên mafia Joseph Barboza lẻn vào tòa án bằng cửa hông. Thậm chí tại tòa, ngay cả các nhân chứng khác vẫn được bảo vệ nếu lời khai của họ khiến họ lại “bước vào” chương trình bảo vệ nhân chứng.

Chương trình bảo vệ nhân chứng ở Mỹ: Ai được bảo vệ? ảnh 2

Frank Costello, một gangster cỡ gộc, ra làm chứng giúp cơ quan điều tra tội phạm. Ảnh: hdl.loc.gov

Sau khi phiên tòa kết thúc, chương trình sẽ giúp họ hòa vào cộng đồng mới và trở nên tự lập. Cơ quan hành pháp và cảnh sát địa phương được thông báo chỗ ở của nhân chứng, kiểm tra nhân chứng về ma túy và rượu theo định kỳ. Các nhân chứng được bảo vệ đòi hỏi tìm được việc làm và trở nên độc lập càng sớm càng tốt. Nếu không tích cực tìm kiếm việc làm, họ sẽ không được nhận tiền hỗ trợ sinh kế nữa. Lúc đó, họ có thể đăng ký để được hưởng trợ cấp xã hội.

Quy tắc quan trọng nhất là các nhân chứng không được liên hệ với các cộng sự cũ hoặc những thành viên gia đình không được bảo vệ và cũng không được quay lại nơi đã sống. Đến nay chưa có nhân chứng nào tuân thủ quy tắc này bị giết cả. Một khi đã hòa vào cộng đồng, nhân chứng chỉ cần liên hệ với chính quyền mỗi năm một lần. Họ phải liên hệ với cơ quan chức năng nếu họ đi khỏi nơi đang cư trú. Bất kỳ ai muốn liên hệ với họ đều phải thông qua Văn phòng Chuyên trách thi hành án Bộ Tư pháp.

Một trong những “độc chiêu” của chương trình là kiến tạo trạng thái mai danh toàn diện của nhân chứng và giúp họ lẩn vào một cộng đồng mới, nơi hầu như không ai có thể nhận ra họ. Cục Cảnh sát thuộc Bộ Tư pháp là cơ quan vất vả nhất bởi hàng loạt nhiệm vụ: tạo ra nhân dạng mới và tìm một nơi ở mới cho nhân chứng, gia đình họ và bất kỳ cộng sự nào của họ đang bị đe dọa; tạo cơ hội để họ có một công việc hợp lý; hỗ trợ nhân chứng tìm kiếm nhà ở, giải ngân sinh hoạt phí cho nhân chứng (bình quân 60.000 USD/năm); cung cấp căn cước mới cho nhân chứng và các thành viên trong gia đình; bảo vệ nhân chứng 24 giờ trong ngày khi họ đang ở trong vùng có mối đe dọa cao, kể cả thời gian trước và trong khi phiên tòa diễn ra. Khi cần, nhân chứng được cảnh sát thu xếp để các nhà tâm lý học, tâm thần học hoặc nhà hoạt động xã hội tư vấn và chỉ dẫn.

Việc thay đổi tên được thực hiện bởi hệ thống tòa án giống như bất kỳ sự thay đổi tên khác nhưng các hồ sơ được niêm phong.

Những thay đổi sau ngày 11-9-2001

Ngày nay, các cơ quan chức năng Hoa Kỳ nỗ lực nhiều hơn để tìm ra những nhân chứng có thể cung cấp chứng cứ chống lại các tổ chức khủng bố. Việc che giấu nhân chứng khi họ làm chứng chống lại những kẻ khủng bố nước ngoài đang cư ngụ bất hợp pháp tại Mỹ là một công việc phức tạp. Các nhân chứng là người nước ngoài đang sống bất hợp pháp không thể chuyển chỗ ở cho đến khi các yêu cầu về việc nhập cư được đáp ứng và các giấy tờ cần thiết được cung cấp. Các công tố viên cũng phải thuyết phục các quan chức phụ trách nhập cư không trục xuất các nhân chứng và xóa tên những người này ra khỏi danh sách những kẻ khủng bố cần được theo dõi.

Không được miễn trả nợ và giảm án

Dấn thân vào chương trình bảo vệ nhân chứng không giống như trúng xổ số. Không có chuyện bỏ qua các khoản vay hoặc các nghĩa vụ khác. Trước khi trở thành đối tượng được chương trình bảo vệ, trước hết các nhân chứng phải trả bất kỳ khoản nợ nào mà họ đang mắc và hoàn thành các nghĩa vụ hình sự hoặc dân sự còn đang bỏ dở. Họ cũng phải cung cấp các tài liệu xác đáng có liên quan đến con cái để chứng minh rằng chúng thực sự là con của họ.

Tuy được phép khởi đầu một cách “sạch sẽ” trong cộng đồng mới, nhân chứng là tội phạm hoàn toàn không được nhà chức trách thể tất các vi phạm trong quá khứ. Cục Cảnh sát luôn thông báo cho cơ quan hành pháp của cộng đồng mới biết sự hiện diện của nhân chứng cũng như tiền án, tiền sự của họ.

ĐẶNG NGỌC HÙNG (Theo usmarshals.gov, howstuffworks.com, associatedcontent.com)

Bài 2: Vụ bảo vệ nhân chứng thất bại ở New York

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm