Chuyện cổ tích ở Việt Nam

Những truyện Cây khế, Thạch Sanh, Cây tre trăm đốt, Tấm Cám… đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong các câu chuyện này, thường có yếu tố hư cấu mang tính chất biểu tượng như chim đại bàng ăn khế trả vàng, niêu cơm vô tận, ông Bụt ban phước lành,… và những yếu tố này giúp cho chuyện cổ tích kết thúc có hậu với phần thắng thuộc về sự lương thiện.

Ở khía cạnh nào đó, tính chất hư cấu, huyền bí của các yếu tố này thể hiện sự vô vọng của con người thời xưa trong hành trình đi tìm lẽ công bằng và công lý, trong nỗ lực đi tìm phương thức tồn tại một cách lương thiện giữa một xã hội đầy mưu mô và dối trá.

Xã hội ngày nay đã khác xưa nhiều nhưng khát vọng lương thiện vẫn luôn thường trực như một bản năng của con người. Đề thi Văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã yêu cầu các thí sinh bình luận về thói dối trá, đặt một tiền đề cho rằng đó là sự suy thoái đạo đức trong xã hội.

Bài làm của các thí sinh còn chưa ráo mực thì xã hội lại đón nhận một thông tin không biết nên vui hay nên buồn. Đó là việc một thí sinh ở Bắc Giang đã bí mật quay video clip ghi lại cảnh gian lận trong phòng thi tốt nghiệp với sai phạm của cả giám thị lẫn thí sinh. Buồn vì tiêu cực trong thi cử ở Việt Nam vẫn còn nhan nhản mà cơ quan chức năng tỏ ra không biết và kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi vẫn được họ tự đánh giá là “nghiêm túc”. Vui vì trong một môi trường thi cử đầy dối trá vẫn có những học sinh biết dũng cảm thực hiện một hành vi giúp ích cho xã hội. Nếu động cơ chống tiêu cực như em học sinh này nói là đúng sự thật thì đây là một hành vi lương thiện mà rất ít người lớn làm được.

Thế nhưng niềm vui không dài, vì ngay sau đó em học sinh này đã bộc bạch với báo chí rằng: “Sau khi công bố clip, em cũng lo sợ và nghĩ đến tình huống xấu nhất là bị đánh trượt tốt nghiệp. Nếu thế, chắc em sẽ đi làm phụ xe khách vì chắc chắn năm sau vẫn bị cấm thi”. Trong khi đó, một số quan chức trong ngành giáo dục đang tính đến việc xử lý học sinh này vì họ cho rằng việc mang camera quay phim (dù là mini, dạng cây bút) vào phòng thi là vi phạm quy chế.

Ngay trong gia đình, sự dũng cảm của em học sinh cũng không được ủng hộ. Bố em cho biết: “Mọi người ở đất nước Việt Nam này ai cũng nói lên được khẩu hiệu “Chống tiêu cực”, bản thân ai cũng muốn làm như thế. (…) Vụ việc đã vỡ lở rồi nên chỉ biết động viên con là: “Vì sao con lại làm như thế, giá như con hỏi bố thì kể cả biết đó là sai mười mươi thì bố cũng phải can ngăn, vì điều kiện gia đình nhà mình khó khăn”.

Ở một xã hội mà người ta phải dũng cảm mới có thể sống lương thiện, để rồi nhận ra rằng sự lương thiện không còn mấy không gian để tồn tại, tức là ở đó chuyện cổ tích vẫn nói dối.

 HỮU LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới