Gần đây, dư luận dành nhiều sự quan tâm đến việc nên hay không nên đa dạng hóa kênh đầu tư cho quỹ bảo hiểm xã hội, vốn đang bị kiểm soát rất chặt, thiên về an toàn hơn là hiệu quả. Trả lời PLO, các chuyên gia chia sẻ một số kinh nghiệm của các nước phát triển, có thể tham khảo cho Việt Nam.
Dân số Việt Nam đang già hóa. Hiện nay có 12% dân số trong độ tuổi từ 60 tuổi trở lên, được dự báo sẽ tăng lên 18% vào năm 2030 và 23% vào năm 2040. Nhu cầu gấp rút xây dựng một hệ thống hưu trí hiệu quả là cấp thiết, nếu không đến một thời điểm nào đó người cao tuổi sẽ trở thành gánh nặng trước yêu cầu phát triển bền vững của quốc gia.
Với hơn 30 năm làm việc và quản lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Mỹ và Việt Nam, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu cho rằng nên tính tới mở rộng thêm kênh đầu tư cho quỹ bảo hiểm hưu trí.
401k của Mỹ là một mô hình có thể tham khảo, theo chuyên gia này. Theo đó, người lao động của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tham gia chế độ hưu trí theo những chương trình sau:
Mỗi tháng, người lao động đóng tiền an sinh xã hội vào quỹ của Chính phủ. Chính phủ sẽ dùng để đầu tư sinh lời. Khi người lao động về hưu, họ sẽ được hưởng chế độ hưu trí theo mức phí đã đóng kèm theo lợi suất đầu tư.
Ngoài quỹ an sinh của Chính phủ còn có các quỹ hưu trí tư nhân, được hình thành từ đóng góp của cả người lao động và doanh nghiệp nơi họ cống hiến. Người lao động tham gia sẽ hưởng chế độ phúc lợi theo quy chế hoạt động của các quỹ này.
Để khuyến khích các quỹ an sinh như vậy, Chính phủ Mỹ không đánh thuế các các khoản tiền đóng quỹ bảo hiểm.
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng Phòng phân tích Chiến lược Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cũng ủng hộ các mô hình quỹ hưu trí tư nhân của Mỹ, với điều kiện chịu sự giám sát của bên thứ ba.
Các quỹ này sẽ đầu tư trên cơ sở phân loại rủi ro theo nhóm khách hàng. Ví dụ, với nhóm người lao động dưới 36 tuổi, tức tuổi lao động còn dài, thời gian đóng tiền còn nhiều, dòng tiền sẽ được đầu tư phân bổ theo tỷ lệ 50% trái phiếu 50% cổ phiếu.
Với chương trình có sự tham gia của cả chủ sử dụng lao động, thì với nhóm trong độ tuổi từ 36 đến 50 tuổi, tiền đóng quỹ sẽ được đầu tư theo tỷ lệ 65% trái phiếu và 35% cổ phiếu. Còn với nhóm tuổi từ 51 trở lên, nguyên tắc bảo toàn vốn được ưu tiên lên hàng đầu. Tỷ lệ phân bổ của danh mục đầu tư sẽ ở mức 80% cho trái phiếu và 20% cổ phiếu.
Còn theo ông Hiếu, cơ chế giám sát độc lập bởi bên thứ ba là nhằm ngăn các hành vi thao túng, trục lợi. Người có hành vi vi phạm quy định quản lý quỹ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp Việt Nam, các chuyên gia cho rằng quỹ hưu trí, bao gồm quỹ bảo hiểm xã hội đang phủ khắp nên được được mở rộng kênh đầu tư sang trái phiếu, cổ phiếu, thay vì chỉ diện hẹp an toàn cao, rủi ro thấp, nhưng lợi suất thấp như hiện nay. Vấn đề là phải xây dựng cơ chế kiểm soát, giảm sát, để chọn được những trái phiếu, cổ phiếu có lịch sử, nền tảng kinh doanh tốt nhất, xếp hạng tín nhiệm cao nhất, bên cạnh đó là tiêu chí lợi suất.
Theo nguyên tắc ấy, và trên thực tế thị trường hiện nay, trái phiếu chính phủ sẽ được ưu tiên. Sau đó đến các trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp tốt có tỷ trọng nhất định trong danh mục đầu tư. Ngoài ra là phân bổ tỷ lệ nhất định cho trái phiếu, cổ phiếu ngân hàng, sản xuất kinh doanh, bất động sản.
Ngoài ra, cũng cần đến một quỹ dự phòng rủi ro thua lỗ để trong trường hợp có rủi ro, sẽ xử lý câu chuyện mất vốn bằng tiền từ quỹ đó, ông Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.