Chuyển đổi xanh: Cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt Nam

(PLO)- Tài chính xanh đóng vai trò quan trọng cho hoạt động doanh nghiệp trong việc đổi mới mô hình hoạt động, hướng đến chuyển đổi xanh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong khuôn khổ Diễn đàn “Thành phố Hồ Chí Minh – Gỡ vướng cho kinh tế xanh” do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức chiều 6-12, đã diễn ra phiên thảo luận Tài chính xanh – Nguồn lực cho doanh nghiệp bền vững.

Tín dụng xanh là đòi hỏi tất yếu

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, cho biết tín dụng xanh là yếu tố quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi xanh tại TP.HCM. Trên toàn cầu, xu hướng phát triển bền vững ngày càng được chú trọng. Các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển lâu dài phải thích ứng với xu hướng này. Tín dụng xanh giúp doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh sang hướng bền vững hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường và khách hàng.

Tuy nhiên, ông Lịch cũng thẳng thắn chỉ ra rằng Việt Nam đã tiên phong trong việc ứng dụng tín dụng xanh từ năm 2015, khi Ngân hàng Nhà nước và IMF đồng loạt ban hành sổ tay hướng dẫn cho nhiều ngành và lĩnh vực.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh cũng đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng tỉ trọng tín dụng xanh so với tổng dư nợ tín dụng vẫn còn khiêm tốn. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội chuyển đổi mô hình kinh tế xanh để đưa sản phẩm xuất khẩu đi khắp thế giới.

Ông Lịch cũng đề xuất các giải pháp như hoàn thiện khung pháp lý, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng và nâng cao năng lực của các tổ chức tín dụng để mở rộng tiếp cận tín dụng xanh cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo TS. Trần Du Lịch, các tổ chức tín dụng cần đóng vai trò chủ động hơn trong việc thúc đẩy tín dụng xanh. Điều này bao gồm việc xây dựng đội ngũ chuyên gia tài chính xanh có chuyên môn cao để tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng xanh, không chỉ tập trung vào các dự án lớn như điện gió, điện mặt trời mà còn mở rộng đến các lĩnh vực khác trong hệ sinh thái kinh tế xanh.

chuyển đổi xanh.jpg

Cần có sự thấu hiểu và hỗ trợ về chính sách


Ở góc độ tổ chức tín dụng, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng HDBank, cho biết suốt thời gian dài, ngân hàng đã rất chủ động tài trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế xanh như năng lượng tái tạo, xuất khẩu. Nhờ nguồn tín dụng xanh của ngân hàng mà doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thành công trên thị trường.

Xu hướng chuyển đổi xanh đang ngày càng trở nên mạnh mẽ trên toàn cầu, tạo ra những cơ hội mới đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Nhiều quốc gia đang đặt ra các tiêu chuẩn cao về sản phẩm xanh, tạo ra một thị trường khổng lồ cho các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu này.

Sản phẩm xanh thường được người tiêu dùng đánh giá cao hơn, giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu mạnh mẽ và tạo dựng lòng tin với khách hàng.

59532f048ecf34916dde.jpg
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM.

“Trên tinh thần này, chúng tôi rất hiểu, cả tổ chức tín dụng và doanh nghiệp cùng ngồi lại với nhau. Để doanh nghiệp và ngân hàng có tiếng nói chung trong chuyển đổi xanh cần xây dựng một hệ sinh thái hợp tác chặt chẽ dựa trên sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau. Ở góc độ khác, Nhà nước cần ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh và tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng trong việc cấp tín dụng” – ông Phương nói.

Bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch TTC AgriS (Mía đường Thành Thành Công), chia sẻ khi xác định xuất khẩu nông sản ra thị trường quốc tế, công ty xác định xanh hoá trong toàn bộ hoạt động lẫn sản phẩm. Chiến lược kinh doanh “xanh” luôn là kim chỉ nam ngay từ những ngày đầu hoạt động và được TTC AgriS duy trì, đẩy mạnh trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

TTC AgriS tích hợp các vấn đề ESG vào quá trình quản trị, vận hành. Hoạt động quản trị của TTC AgriS bao gồm các chủ đề về bền vững chuyên biệt, các chỉ số tài chính “xanh”. Đồng thời, xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ (organic). Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã có gần 72.000 héc ta vùng nguyên liệu xanh, trải dài tại 4 quốc gia - Việt Nam, Lào, Campuchia và Úc. Công ty cũng đa dạng hóa chuỗi giá trị sản phẩm từ cây trồng nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu và giảm tối đa các chế, phụ phẩm trong quá trình sản xuất.

Theo bà My, với chiến lược xanh, nhiều định chế tài chính đã đầu tư mạnh mẽ vào TTC AgriS với hàng trăm triệu USD. Do đó, nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để thực thi các tiêu chuẩn xanh để đáp ứng điều kiện và thâm nhập vào các thị trường xuất khẩu khó tính.

“Với chiến lược xanh, chúng tôi đặt mục tiêu TTC AgriS sẽ hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2035. Mục tiêu này được xem là tham vọng và đối diện nhiều khó khăn để thực hiện. Tuy nhiên, với sứ mệnh cam kết bảo vệ môi trường và đưa ra những sản phẩm xanh đảm bảo chất lượng và nguồn gốc sạch, chúng tôi tin rằng sẽ sớm hiện thực hoá mục tiêu trên” – bà My khẳng định.

Hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển xanh

Ở góc độ tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện các khung pháp lý nhằm hỗ trợ phát triển xanh và đáp ứng nhu cầu vốn của kinh tế xanh. Chẳng hạn, ban hành các chính sách ưu đãi về lãi suất đối với các khoản vay xanh, khuyến khích ngân hàng tăng cường cho vay lĩnh vực này. Một giải pháp nữa là xây dựng cơ chế bảo lãnh tín dụng cho các dự án xanh, giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng cũng như thiết lập một hệ thống giám sát chặt chẽ để đảm bảo các khoản vay xanh được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả.

“Với cơ chế này, các bên liên quan sẽ góp phần tạo ra một môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế” – ông Lệnh nói.

Theo ông Phan Đình Tuệ, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến kinh tế xanh nên khó có thể tận dụng nguồn lực tín dụng xanh. Nếu doanh nghiệp hiểu về việc thực hiện tiêu chuẩn xanh sẽ nâng cao được danh tiếng thương hiệu, thu hút và giữ chân nhân tài hàng đầu và tiếp cận được các thị trường mới. Những yếu tố này có thể góp phần vào thành công tài chính dài hạn và tăng trưởng bền vững.

“Hiệp hội rất nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp TP.HCM về phát triển xanh thông qua việc kết nối với các cơ quan hữu quan để hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính xanh, công nghệ xanh. Hiệp hội có thể tổng hợp, phân tích và chia sẻ thông tin về các chính sách, quy định liên quan đến phát triển xanh, giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời và chủ động thích ứng.

Cung cấp thông tin về thị trường xanh, xu hướng tiêu dùng, các tiêu chuẩn sản phẩm xanh, giúp doanh nghiệp định hướng sản xuất và kinh doanh. Giới thiệu các công nghệ xanh mới, giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu chất thải, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất” – ông Tuệ chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm