Chuyên gia cảnh báo rủi ro khi đứng tên hộ cổ phần, công ty

(PLO)- Thực trạng đứng tên hộ cổ phần, công ty đã được phơi bày qua nhiều vụ đại án, từ đó trách nhiệm pháp lý, đặc biệt là trách nhiệm hình sự của những người này là gì được nhiều người quan tâm. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành Kết luận điều tra vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2. Một nội dung đáng chú ý trong KLĐT là có rất nhiều người đứng tên hộ cổ phần, công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Xét hành vi, mức độ, vai trò trong vụ án, CQĐT không đề nghị truy tố. Dù vậy, trong quá trình tố tụng, họ sẽ phải làm việc với cơ quan điều tra và đến tòa khi được triệu tập…

Còn trong vụ án AIC, nhiều người cũng đứng tên hộ công ty để thiết lập thế trận quân xanh, quân đỏ giúp AIC trúng thầu. Trong đó, anh trai bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy tố và đưa ra xét xử. Tại tòa, ông này khai tin tưởng em gái, đứng tên hộ và kêu ký giấy tờ gì thì ký chứ không biết công ty hoạt động gì.

đứng tên hộ cổ phần
Ông Nguyễn Anh Dũng, anh trai bà Nhàn AIC tại phiên toà sơ thẩm hôm 23-20-2023. Ảnh: NGỌC SƠN

Hay trên thực tế, nhân viên nhiều công ty khi đi làm được cho đứng tên hàng loạt công ty con. Nhiều trường hợp trong số đó là các công ty “ma”, không có hoạt động kinh doanh, công ty mẹ chỉ sử dụng pháp nhân này để vay vốn ngân hàng.

Từ đây, bạn đọc đặt ra nhiều vấn đề pháp lý về vai trò của những người đứng tên hộ, họ sẽ phải gánh chịu những rủi ro nào khi chấp nhận đứng tên tài sản của người khác?

Trách nhiệm của chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ThS Từ Thanh Thảo, giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết pháp luật hiện nay không có quy định về việc đứng tên hộ công ty, cổ phần. Có thể hiểu, đây là một dạng đầu tư “ẩn danh”, theo đó người thực sự sở hữu cổ phần hay là người chủ thực sự của công ty không “ra mặt” mà nhờ người khác đứng tên hộ vì nhiều lý do khác nhau, trong đó không loại trừ việc “mượn tay” người khác để thực hiện các hành vi trái pháp luật.

Đối với chủ sở hữu công ty, theo ThS Thảo, Luật Doanh nghiệp 2020 (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định để xác lập tư cách chủ sở hữu công ty, về pháp lý người đó phải có hành vi góp vốn và thực hiện các thủ tục có liên quan mới có thể chính thức trở thành chủ sở hữu công ty.

Và khi đã trở thành chủ sở hữu của công ty, họ sẽ có các quyền, nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp do pháp luật và điều lệ công ty quy định như các quyền tham gia biểu quyết tại Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông… Đồng thời, họ phải chịu "trách nhiệm cá nhân" khi nhân danh công ty để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, tiến hành kinh doanh hoặc giao dịch khác không nhằm phục vụ lợi ích của công ty và gây thiệt hại cho người khác…

Còn đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hiện nay không chỉ có tình trạng nhờ đứng tên hộ để sở hữu vốn góp, cổ phần trong công ty, mà còn có nhiều trường hợp nhờ đứng tên hộ để làm người đại diện theo pháp luật của công ty. Lý do, công ty là một pháp nhân nên các hành vi pháp lý của công ty phải được thực hiện thông qua người đại diện, trong đó chủ yếu là người đại diện theo pháp luật”, ThS Thảo thông tin.

Cũng theo ông, Bộ luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp quy định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp để xác lập, thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án...

Khi đó, người đại diện theo pháp luật có trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng…; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác…

Đáng chú ý, Điều 13 Luật Doanh nghiệp quy định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp "chịu trách nhiệm cá nhân" đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm các trách nhiệm này.

Ngoài ra, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty phải điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty, hợp đồng lao động ký với công ty và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị. Trường hợp điều hành trái với quy định tại khoản này mà gây thiệt hại cho công ty thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho công ty…

Rủi ro khi đứng tên hộ

Nói về trách nhiệm của những người đứng tên hộ, ThS Thảo cho biết, từ các quy định nêu trên của pháp luật, có thể thấy người nào đứng tên là chủ sở hữu công ty, đứng tên làm người đại diện theo pháp luật, tổng giám đốc/giám đốc…phải chịu trách nhiệm trước công ty, trước pháp luật và trước bên thứ ba nếu họ thực hiện các hành vi trái với quy định trong điều lệ, pháp luật và gây thiệt hại.

Các trách nhiệm này bao gồm cả trách nhiệm dân sự, hành chính và có thể cả trách nhiệm hình sự tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Chẳng hạn trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có hành vi chỉ đạo các bộ phận trong doanh nghiệp thực hiện các hành vi như buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, để ngoài sổ sách các khoản thu chi nhằm mục đích trốn thuế, thông thầu, gian lận trong đấu thầu, đưa hối lộ, ký các hợp đồng, giao dịch khi chưa đủ điều kiện... thì chính họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng với các tội phạm cụ thể theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Về trách nhiệm của những người chủ “ẩn danh”, nếu chứng minh được rằng những người chủ “ẩn danh” đã có hành vi chủ mưu, sai khiến, ép buộc những người đứng tên hộ thực hiện các hành vi trái pháp luật, thì tùy từng trường hợp cụ thể, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò “đồng phạm” hay “phạm tội có tổ chức”.

"Tóm lại, trách nhiệm hình sự là trách nhiệm cá thể hóa, nghĩa là ai thực hiện hành vi phạm tội thì người đó phải trực tiếp chịu trách nhiệm hình sự, kể cả trường hợp những người đứng tên hộ công ty, cổ phần như trong rất nhiều các vụ án vừa qua. Chính những người này đã nhân danh, đại diện cho công ty thực hiện các hành vi, ký kết các giấy tờ, giao dịch trái pháp luật thì chính họ phải chịu trách nhiệm, trong đó có thể bao gồm cả trách nhiệm hình sự.

Trường hợp chứng minh họ bị ép buộc, đe dọa hoặc vì nhận thức yếu kém, trình độ học vấn thấp để cho người khác lợi lợi dụng, sai khiến thì tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan tố tụng có thể cân nhắc việc có truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, hoặc cân nhắc việc lượng hình khi xem xét hình phạt", ThS Từ Thanh Thảo nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm