Trách nhiệm pháp lý của những người được bà Trương Mỹ Lan thuê đứng tên công ty

(PLO)- Trong vụ án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát, hàng trăm người được thuê đứng tên công ty. VKSND Tối cao có hướng xử lý với những người này ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo cáo trạng do VKSND Tối cao ban hành, Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) có trụ sở tại số 193-203 Trần Hưng Đạo (quận 1, TP. HCM).

Quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát xây dựng hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp.

Trương Mỹ Lan
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Trương Mỹ Lan làm Chủ tịch xây dựng hơn một nghìn doanh nghiệp

Những người lệ thuộc, vai trò thứ yếu

Trong đó, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty trong hệ sinh thái và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.

Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đã thuê, nhờ hàng trăm cá nhân đứng tên đại diện pháp luật các công ty, được chia làm 4 nhóm gồm nhóm định chế tài chính tại Việt Nam; nhóm công ty có hoạt động kinh doanh thật; nhóm công ty “ma” tại Việt Nam và mạng lưới công ty tại nước ngoài.

Kết quả điều tra xác định có 875 khách hàng gồm 440 cá nhân, 435 pháp nhân đứng tên 1.284 khoản vay được bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập, thuê hoặc nhờ người đứng tên.

VKSND Tối cao xác định nhóm đối tượng được thuê đứng tên ký khoản vay, đại diện pháp luật Công ty ký hồ sơ vay, đứng tên tài sản bảo đảm, ký chứng từ rút, chuyển tiền, làm nhân viên kế toán, nhân sự hành chính… liên quan đến các hồ sơ vay vốn không đảm bảo quy định là các đối tượng có vai trò thứ yếu.

Ngoài tiền lương được trả, những người này không được hưởng lợi gì khác. Bản thân họ không nhận thức được hành vi đứng tên như trên đã giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan rút tiền Ngân hàng SCB. Họ cũng là những người lệ thuộc, thực hiện nhiệm vụ do các đối tượng khác thuê.

Quá trình điều tra, những người này đã thành khẩn khai báo, do vậy không xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ.

Ngoài nhóm người được thuê, trong vụ án này, có một nhóm cán bộ Ngân hàng SCB ở cấp đơn vị, chi nhánh cho vay; tái thẩm định cho vay; tham mưu cho Ban Tổng giám đốc, cán bộ giúp việc cho HĐQT, Ban Kiểm soát. Họ có có tham gia trong hồ sơ vay vốn không đảm bảo quy định, kiểm tra, kiểm soát hoạt động Ngân hàng SCB.

Một nhóm cá nhân là những người ở cấp đơn vị, chi nhánh có tham gia hạch toán liên quan đến tiền giải ngân đối với các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Tuy nhiên, VKSND Tối cao xác định họ chỉ là những người lệ thuộc, là người làm công ăn lương, không giữ chức vụ, vị trí chủ chốt, thực hiện công việc chuyên môn theo yêu cầu của lãnh đạo Ngân hàng SCB.

Quá trình điều tra họ đã tích cực hợp tác, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm, do vậy không xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân này.

Ngoài ra, đối với các bị can trong vụ án, ngoài hành vi bị điều tra, truy tố còn thực hiện hành vi sai phạm khi giữ các vị trí, vai trò thứ yếu trong việc tạo lập hồ sơ vay vốn khống, giải ngân để bà Trương Mỹ Lan sử dụng.

Khi thực hiện hành vi sai phạm, những người này đều là những người lệ thuộc, làm công ăn lương, thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của lãnh đạo Ngân hàng SCB.

Do vậy, không xem xét trách nhiệm hình sự những người này đối với các khoản vay mà họ đã tham gia ở vai trò, vị trí thứ yếu.

Về ba người đã chết

VKSND Tối cao xác định ông Nguyễn Ngọc Dương, TGĐ Công ty Sài Gòn Peninsula (thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát), đã tham gia vào quá trình chỉ đạo tìm kiếm, thuê người đứng tên các khoản vay, đứng tên các pháp nhân, sở hữu cổ phần….

Ông Dương cũng là người trực tiếp đứng tên hợp đồng vay vốn, hợp đồng thế chấp tài sản, là người giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan rút tiền Ngân hàng SCB. Nhưng ông Dương đã chết nên không xem xét trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, Phó Giám đốc, Giám đốc Ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn Nguyễn Phương Hồng và ông Nguyễn Tiến Thành, thành viên HĐQT Ngân hàng SCB, đã tham gia xây dựng hồ sơ vay vốn, thực hiện việc xét duyệt, cấp tín dụng đối với các khoản vay của khách hàng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay vốn trái quy định của Ngân hàng SCB.

Hai người này cũng đã giúp cho bà Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội để sử dụng, chiếm đoạt tiền trái phép của tổ chức tín dụng. Nhưng do cả hai người trên đã chết nên không xem xét trách nhiệm hình sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm