Đàn vịt đi qua ruộng đẻ trứng, trứng thuộc về ai?

(PLO)- Bạn đọc hỏi đàn vịt đi qua ruộng nhà người khác và đẻ trứng thì chủ ruộng có được lấy hay không?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gửi câu hỏi tới chuyên mục "Chat với chuyên gia" do Trường ĐH Luật TP.HCM cùng báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức, anh Huỳnh Du (ngụ tỉnh Long An) hỏi:

Ở miền Tây, đến mùa thì vịt đàn nhiều nơi sẽ đổ về, chạy ăn hàng đàn qua ruộng của rất nhiều nhà. Mỗi lần đi qua, đàn vịt thường đẻ trứng khá nhiều trên ruộng. Vậy cho hỏi, đàn vịt đi qua ruộng nhà tôi và đẻ trứng thì tôi có được lượm trứng đó để ăn, bán không?

Đàn vịt đi qua ruộng
Đàn vịt đi qua ruộng đẻ trứng, trứng thuộc về ai?

Giải đáp vấn đề trên, TS Ngô Thị Anh Vân, giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP.HCM, cho biết:

Theo quy định của BLDS 2015 thì trứng được xem là hoa lợi mà vịt (hoặc đàn vịt) mang lại. Mà theo Điều 224 BLDS 2015 thì chủ sở hữu tài sản có quyền sở hữu đối với hoa lợi kể từ thời điểm thu được hoa lợi.

Do đó, trứng vịt thuộc về người sở hữu đàn vịt, trường hợp vịt qua ruộng nhà khác đẻ thì quyền sở hữu trứng vịt của chủ sở hữu vẫn không thay đổi.

Chính vì vậy, nếu vịt đi qua và đẻ trứng trên ruộng người khác thì người có ruộng nơi vịt đi qua và đẻ trứng không thể tự ý lượm trứng để ăn hoặc bán.

Tuy nhiên, nếu giữa chủ ruộng và chủ đàn vịt có thỏa thuận với nhau về việc cho vịt vào ruộng kiếm ăn và phân chia trứng thì ở đây các bên thực hiện theo thỏa thuận.

Lưu ý là nếu không có thỏa thuận, thì bên có vịt cũng không được tự ý đưa vịt vào ruộng của người khác nên nếu gây thiệt hại thì có thể phải bồi thường.

Trong khi đó, người chủ ruộng nếu tự ý lấy trứng vịt của người khác thì theo quy định tại khoản 1 Điều 166 BLDS 2015, việc chiếm hữu số trứng vịt không phải của mình sẽ bị xem là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật và người chiếm hữu phải hoàn trả trong trường hợp chủ sở hữu đàn vịt phát hiện và đòi lại trứng. Nếu người này đã sử dụng hoặc bán trứng thì chủ sở hữu đàn vịt có thể quy ra tiền để yêu cầu bồi hoàn.

Tất nhiên, trong trường hợp có tranh chấp thì các bên phải có nghĩa vụ chứng minh. Bên chủ ruộng phải chứng minh đàn vịt nào đã gây thiệt hại, còn bên chủ đàn vịt nếu muốn đòi trứng phải chứng minh được trứng đó là do đàn vịt nhà mình đẻ ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm