Gửi câu hỏi đến chuyên mục "Chát với chuyên gia" do báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp cùng Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức, bạn đọc Mai Anh (TP.HCM) nêu thắc mắc:
Tôi vừa đi công chứng hợp đồng về thì phát hiện có một số lỗi chính tả. Xin hỏi văn bản đã công chứng phát hiện bị sai chính tả thì có còn giá trị hay không? Bây giờ tôi cần làm gì?
Trả lời vấn đề này, Thạc sĩ Lê Thị Mơ, Giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật TP. HCM, trả lời:
Vẫn có giá trị pháp lý
Theo Luật Công chứng 2014, văn bản công chứng là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp theo quy định của pháp luật công chứng.
Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ khi được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng; hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan và có giá trị chứng cứ (Điều 5 Luật Công chứng).
Các quy định trên cho thấy, các văn bản đã được công chứng thì sẽ có giá trị pháp lý, các bên liên quan phải có trách nhiệm tôn trọng và thi hành.
Hiện nay, pháp luật công chứng không có bất kỳ điều khoản nào xác định các văn bản công chứng bị sai chính tả thì sẽ bị vô hiệu, không có giá trị pháp lý thi hành.
Do đó, chúng ta có thể hiểu, các văn bản đã công chứng bị sai chính tả thì vẫn có giá trị pháp lý. Có thể thấy, cách hiểu như vậy là phù hợp. Bởi lẽ, lỗi chính tả trong văn bản công chứng là lỗi thuộc về hình thức, liên quan đến kỹ thuật soạn thảo văn bản công chứng, lỗi này có thể được khắc phục nhanh chóng mà không ảnh hưởng đến nội dung công chứng.
Thực tế, các lỗi sai chính tả trong văn bản công chứng thường bắt nguồn từ chính quá trình soạn thảo văn bản như quá trình ghi chép, đánh máy, in ấn và các lỗi chính tả khá phổ biến trong văn bản công chứng như chữ viết bị ghi thiếu nét, chữ viết bị sai dấu, viết hoa không đúng, viết tắt, các ký hiệu thửa đất bị thừa hoặc thiếu chữ, tên người đi công chứng bị sai nét, thiếu tên đệm… Về cơ bản, các lỗi chính tả này không tác động làm thay đổi nội dung của văn bản công chứng nên không có cơ sở nào xác định văn bản công chứng bị sai chính tả thì bị vô hiệu. Nói cách khác, văn bản công chứng bị sai chính tả vẫn có giá trị pháp lý thi hành.
Người dân cần làm gì?
Văn bản công chứng bị sai chính tả là văn bản công chứng bị lỗi về kỹ thuật soạn thảo nên việc xử lý vấn đề này sẽ tuân thủ theo quy định tại Điều 50 Luật Công chứng 2014.
Theo đó, người dân sẽ đến trực tiếp tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và yêu cầu công chứng viên tiến hành sửa lỗi chính tả trong văn bản công chứng.
Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì người dân cần đến tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng để yêu cầu.
Khi nhận được yêu cầu sửa lỗi chính tả trong văn bản công chứng, công chứng viên phải có trách nhiệm tiếp nhận và tiến hành sửa chính tả bị sai. Để bảo đảm việc sửa lỗi chính tả cho chính xác, thống nhất, khoản 3 Điều 50 Luật Công chứng quy định, công chứng viên thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật sẽ có trách nhiệm đối chiếu từng lỗi cần sửa với các giấy tờ trong hồ sơ công chứng, gạch chân chỗ cần sửa, sau đó ghi chữ, dấu hoặc con số đã được sửa vào bên lề kèm theo chữ ký của mình và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
Công chứng viên có trách nhiệm thông báo việc sửa lỗi kỹ thuật đó cho người tham gia hợp đồng, giao dịch. Như vậy, khi văn bản công chứng bị sai chính tả, người dân không nên hoang mang và cần thực hiện theo quy định đã nêu để bảo đảm kịp thời các quyền và lợi ích của mình.