Cựu chủ nhiệm hợp tác xã nhận gần 1 tỉ đồng để cải tạo xe trái luật

(PLO)- Dù không còn chức năng cải tạo xe nhưng cựu chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải Hòa Bình vẫn ra giá, nhận tiền của chủ phương tiện bao trọn gói để ra hồ sơ đăng kiểm xe.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 14-8, TAND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục xét hỏi bị cáo Nguyễn Văn Phiêu, cựu Chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải Hòa Bình trong vụ án nhận hối lộ và giả mạo trong công tác xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Khánh Hòa - TTĐK 7901S.

Trong vụ án này, bị cáo Phiêu bị cáo buộc cùng bị cáo Nguyễn Hữu Trường, cựu Phó giám đốc, đăng kiểm viên, tổ trưởng tổ đăng kiểm TTĐK 7901S, nhận gần 609 triệu đồng của nhiều người để hợp thức hóa hồ sơ cho 41 phương tiện cơ giới cải tạo trái pháp luật.

Số tiền trên, bị cáo Trường chuyển cho Phiêu 385 triệu đồng, chuyển cho đơn vị làm hồ sơ thiết kế 88 triệu đồng. Phiêu đã dùng số tiền nêu trên chi trả một số loại phí và thuê vẽ thiết kế.

Ngoài ra, bị cáo Phiêu còn bị cáo buộc đã trực tiếp nhận gần 389 triệu đồng của một số người để hợp thức hóa hồ sơ cho 28 phương tiện cơ giới cải tạo trái pháp luật.

cải tạo xe.jpg
Bị cáo Nguyễn Văn Phiêu. Ảnh: XUÂN HOÁT

Cơ quan tố tụng cáo buộc, bị cáo Phiêu nhận hối lộ hơn 998 triệu đồng, thu lợi bất chính gần 695 triệu đồng.

Theo cáo trạng, trước 2018, tại tỉnh Khánh Hòa, các xe cơ giới đường bộ muốn cải tạo phải đưa đến Hợp tác xã vận tải Hòa Bình làm thủ tục và thi công cải tạo.

Tại tòa, bị cáo Phiêu cho biết quen biết với bị cáo Trường thông qua giới thiệu, hoạt động trong công tác cải tạo xe cơ giới và bản thân bị cáo nhận thức được vai trò của bị cáo Trường trong công tác đăng kiểm xe cơ giới nên hợp tác.

Theo bị cáo Phiêu, trong quá trình nhận xe để thiết kế, lên bản vẽ, thi công đối với phương tiện cần cải tạo để đăng kiểm, nếu là khách hàng của bị cáo Trường sẽ trao đổi cần làm bộ phận, chi tiết nào của xe.

“Sau khi xem xét các mục cần thiết kế, thi công và tùy vào loại, nhu cầu xe cần cải tạo, bị cáo sẽ tính toán rồi báo giá lại cho bị cáo Trường. Có trường hợp nếu cải hoán đơn giản thì chỉ cần bị cáo Trường chụp hình lại chứ không cần trực tiếp đi cùng xe đến xem xét, đánh giá, định giá. Cái nào phức tạp thì bị cáo Trường phải cùng xe đến để thống nhất các chi tiết cải tạo, thống nhất giá tiền”, bị cáo Phiêu khai.

Khi được hỏi về việc cơ sở của bị cáo không còn xưởng để cải tạo xe vì sao vẫn hợp tác cùng bị cáo Trường thì bị cáo Phiêu cho biết lúc đó nhận thức pháp luật hạn chế, nên vẫn nhận xe rồi giới thiệu, đưa ra các gara có uy tín để tiến hành công tác cải tạo. Sau khi hoàn thành sẽ nhờ con trai cùng một số công nhân ký khống để hợp thức hóa hồ sơ để xe được đăng kiểm.

4.jpg
Hai bị cáo tại tòa. Ảnh: XUÂN HOÁT

“Đúng là việc làm của bị cáo là không đúng, sai trái nhưng vì lúc đó bị cáo nhận thức về pháp luật không đầy đủ”- bị cáo Phiêu thừa nhận.

Bị cáo này cũng tỏ ra hối hận với việc làm của mình khi trả lời đại diện VKS về hậu quả của việc đưa xe đi cải tạo ở những gara không có chức năng, cơ quan thẩm quyền cấp phép.

Về việc bị cáo Trường giả chữ ký của mình trong nhiều hồ sơ đăng kiểm, bị cáo Phiêu cho biết có nhiều trường hợp lúc đồng kiểm tra xe thì chưa có biên bản ngay. “Những hồ sơ này có khi sau đó bị cáo quên, nên cũng không biết bị cáo Trường ký thay mình lúc nào”- bị cáo Phiêu khai tại tòa.

Ngày 15-8, phiên tòa tiếp tục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm