Chuyên gia Đài Loan phân tích “2 tuyến, 1 vành đai” của quân đội Mỹ ở Biển Đông

Theo hãng tin Taiwan News, Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh (INDSR, Đài Loan) mới đây đã công bố báo cáo “phân tích thời gian thực về an ninh quốc phòng” mới nhất, trong đó đánh giá ý nghĩa chiến lược của vùng biển phía tây nam Đài Loan và Eo biển Bashi.

Trong báo cáo có tiêu đề “Hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông”, chuyên gia quân sự của INDSR Huang Tsung-ting nhận định góc tây nam của vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan là một trong những khu vực hoạt động chính của quân đội Mỹ ở Biển Đông. 

Ông Huang nói thêm rằng Mỹ đã thực hiện các chuyến hải hành bất thường, các cuộc tập trận quân sự thường lệ và các nhiệm vụ trinh sát ở khu vực "hai tuyến, một vành đai" trên Biển Đông.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson trong một cuộc tập trận chung với hải quân Philippines hồi tháng 6-2018. Ảnh: AP

Theo chuyên gia này, “tuyến” đầu tiên trải dài từ lưu vực Taixinan (phía nam eo biển Đài Loan và đông bắc Biển Đông) đến lưu vực cửa sông Châu Giang (PRMB) đến quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và đến tận lưu vực Qiongdongnan. 

Ông Huang mô tả “tuyến” thứ hai kéo dài từ Bãi cạn Đài Loan (Taiwan Shoal) đến TP. Sán Đầu thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và kết thúc tại lưu vực cửa sông Châu Giang.

Theo ông Huang, "vành đai" kéo dài qua eo biển Verde Island Passage (nằm giữa cửa Vịnh Manila và đảo Mindoro, được xem là một trong những trọng điểm của Biển Đông để tàu bè đi qua vùng biển giữa hai đảo lớn Luzon và Mindanao của Philippines), khu vực xung quanh bãi cạn Scarborough và vùng biển phía bắc của quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Vị chuyên gia lưu ý rằng quân đội Mỹ đã điều động các máy bay tác chiến chống ngầm, máy bay cảnh báo sớm và máy bay giám sát dọc "tuyến" thứ nhất kể từ khi căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng vào tháng 6-2020. 

Ngoài ra, máy bay trinh sát, máy bay chống ngầm và máy bay cảnh báo sớm của Mỹ đã thực hiện các nhiệm vụ ở khu vực phía bắc Biển Đông để phát hiện tàu ngầm Trung Quốc, mở đường an toàn cho tàu quân sự Mỹ, cũng như theo dõi máy bay quân sự Trung Quốc đi vào góc tây nam về ADIZ của Đài Loan, ông Huang phân tích.

Theo ông Huang, máy bay của Mỹ đã bay gần 87 km từ Sán Đầu để giám sát các hoạt động quân sự gần đó của Bắc Kinh, chẳng hạn hoạt động tại căn cứ hải quân của quân đội Trung Quốc trên đảo Stonecutters (Hong Kong) và tại căn cứ hải quân đảo Xiachuan (tỉnh Quảng Đông), nơi đội tàu ngầm thứ 52 của Trung Quốc đang đóng quân.

Ông Huang nhận định rằng để ngăn chặn sự bành trướng của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông, quân đội Mỹ phải tăng cường khả năng răn đe trong khu vực bằng cách tiếp tục các hoạt động "hai tuyến, một vành đai" tại Biển Đông.

Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.

Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm