Chuyên gia hiến kế xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới

(PLO)- Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng Thủ đô Hà Nội phải được định vị trở thành động lực phát triển, đầu tàu dẫn dắt cho sự phát triển chung của cả nước…

Ngày 7-10, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Thành ủy Hà Nội, phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu".

Định vị sự phát triển của Thủ đô Hà Nội

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cho sự chặng đường xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới.

Quang cảnh hội thảo khoa học cấp quốc gia: "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu". Ảnh: TP

Góp ý tại hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) khái lược lại vị trí, vai trò của Thăng Long – Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước. Cho dù ở thời kỳ nào, Thủ đô Hà Nội cũng luôn là trung tâm chính trị quốc gia, trung tâm kinh tế, xã hội và văn hóa” của cả nước, nơi kết tinh, hội tụ sức mạnh của cả dân tộc.

Theo ông, sức mạnh đó được thể hiện qua yếu tố con người. Chính yếu tố này đến nay đã trở thành nguồn lực lớn nhất, là lợi thế căn bản và giữ vai trò quyết định tương lai phát triển của Hà Nội.

“Phát huy được nguồn lực này chính là chìa khóa thành công của công cuộc xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại”, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: TP

Còn PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: Hà Nội có rất nhiều tiềm năng, lợi thế tuyệt đối, vì vậy, cần định vị sự phát triển trong tương lai của Hà Nội phải trở thành một đô thị xứng tầm, “thể hiện vai trò dẫn dắt, tiên phong của Thủ đô đất nước”.

Theo ông, để biến những tiềm năng, lợi thế này thành thành tựu phát triển cụ thể, cần có điều kiện và giải pháp xứng tầm. Cần mạnh dạn trao cho Hà Nội quyền đặc biệt, sáng tạo ra hình mẫu phát triển mới, đúng nghĩa thành phố dẫn dắt.

Ở góc nhìn quy hoạch, kiến trúc, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Hà Nội cần kiến thiết một thành phố đáng sống trong đó quy hoạch đô thị phải hướng đến giảm dân nội đô lịch sử, tăng chất lượng các đô thị vệ tinh, tăng cường kiểm soát phát triển không gian đô thị và nông thôn…

“Đối với 5 đô thị vệ tinh, cần rà soát lại mô hình và lộ trình phát triển để có kế hoạch tập trung nguồn lực đầu tư theo thứ tự ưu tiên" - ông Chính nói và đề nghị bên cạnh đó cần nghiên cứu mô hình thành phố trong thành phố ở phía Bắc, xây dựng sân bay phía Nam... để tạo thêm các cực phát triển cho thành phố.

Những vấn đề mà Hà Nội cần có sự đột phá

Kết luận hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao những ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm về xây dựng phát triển Thủ đô Hà Nội của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học gửi tới hội thảo.

“Nhiều ý kiến đã chỉ rõ, Hà Nội có vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong công cuộc đổi mới đồng bộ, toàn diện đất nước. Thủ đô Hà Nội đi trước, đi đầu trong việc thực hiện và hoàn thành sớm các kế hoạch, chiến lược phát triển đất nước.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa. Ảnh: TP

Đóng vai trò là trung tâm, đầu mối kết nối, dẫn dắt, tạo động lực thúc đẩy, tạo hiệu ứng lan tỏa đổi mới sáng tạo đối với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia” – Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nói.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng tập trung phân tích những thành tựu và kết quả phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội 70 năm qua; phân tích những tiềm năng lợi thế, thách thức của Thủ đô Hà Nội trong chặng đường phát triển mới.

Theo đó, để phát triển đột phá trong giai đoạn tới, Hà Nội cần tập trung vào các vấn đề như: dịch vụ và kinh tế đô thị - đây là trụ cột kinh tế Thủ đô Hà Nội; phát triển công nghiệp văn hóa kết hợp với dịch vụ, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo; công nghệ sinh học, hóa dược, mỹ phẩm; các sản phẩm công nghệ cao, vật liệu mới.

Song song đó, phát triển nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, các mô hình nông nghiệp đô thị; phát triển giáo dục, y tế thủ đô hiện đại, chuẩn quốc tế. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng và hạ tầng số tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, coi đây là tiền đề quan trọng để Hà Nội bứt phá trong thời kỳ tới.

Giải quyết căn bản các vấn đề ô nhiễm môi trường như: ô nhiễm không khí, sông, hồ, thu gom xử lý nước thải, rác thải đô thị; phát triển hài hòa khu vực đô thị và nông thôn.

Theo đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị thời gian tới các chuyên gia, nhà khoa học sẽ tiếp tục đóng góp các ý kiến tâm huyết trách nhiệm để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới