Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội là thực tiễn diễn ra tại Việt Nam (VN) trong suốt gần 40 năm đổi mới, đặc biệt từ Đại hội Đảng lần thứ XIII thì việc này càng được diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt.
Tại phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về PCTNTC mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng BCĐ Trung ương về PCTNTC, đã nhấn mạnh quan điểm “PCTNTC phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh PCTNTC mà ảnh hưởng, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội”.
Đề cập đến quan điểm nêu trên, TS Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực II, cho rằng nếu không cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, không làm tốt PCTNTC chắc chắn các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không lựa chọn VN, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nối tiếp tinh thần chống tham nhũng không ngừng nghỉ
. Phóng viên: Tinh thần PCTNTC của Đảng ta trong nhiều năm qua đã dần tạo được niềm tin trong dân. Ông nhận thấy tinh thần ấy đến hiện tại như thế nào?
+ TS Vũ Trung Kiên: PCTNTC ở VN những năm qua đạt được nhiều kết quả tích cực, trước hết ở sự chung sức, đồng thuận của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, sự vào cuộc bài bản, chắc chắn của các cơ quan có trách nhiệm song rõ ràng vai trò của người đứng đầu là hết sức quan trọng.
Đảng ta từ lâu đã xác định tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ và đặt ra nhiệm vụ chống tham nhũng từ sớm. Tuy nhiên, công cuộc này chỉ thật sự thay đổi và đạt được nhiều kết quả ấn tượng từ sau Đại hội XI, nhất là từ năm 2013 với những dấu ấn gắn với cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Có lẽ vì vậy mà sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời cũng xuất hiện băn khoăn của đội ngũ cán bộ, đảng viên và một bộ phận người dân rằng liệu công cuộc PCTNTC có còn được tiếp tục mạnh mẽ như trước đây.
Những băn khoăn này đã nhanh chóng có giải đáp. Ngay khi vừa được bầu giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng vào sáng 3-8, phát biểu tại cuộc họp báo quốc tế và trong nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: “Chúng ta sẽ tiếp tục công cuộc PCTNTC không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, với tinh thần xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng”.
Đảng Cộng sản VN được hiến định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Thể chế chính trị VN chỉ duy nhất Đảng lãnh đạo và cầm quyền, vì vậy thước đo của lòng dân đối với Đảng chính là ở việc kinh tế - xã hội phát triển, an ninh chính trị, trật tự xã hội an toàn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Để đảng viên, cán bộ và các tầng lớp nhân dân tin tưởng, ủng hộ, tham gia tích cực hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì chắc chắn các chủ trương, chính sách ấy phải đáp ứng được lợi ích, nguyện vọng chính đáng của họ.
Một trong những việc làm xói mòn lòng tin không chỉ của người dân mà cả của cán bộ, đảng viên chân chính của Đảng là tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh sống còn của Đảng.
Chống tham nhũng để không làm méo mó môi trường kinh doanh
. Phát biểu tại phiên họp thứ 26 của BCĐ Trung ương về PCTNTC, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh ba yêu cầu của công tác này trong giai đoạn tới. Đáng chú ý, quan điểm “PCTNTC phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh PCTNTC mà ảnh hưởng, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội”. Ông nghĩ thế nào về quan điểm này?
+ Thông điệp mà người đứng đầu Đảng, Nhà nước, BCĐ Trung ương về PCTNTC rất mới và rõ ràng ở quan điểm đầu tiên, với hai vế quan trọng là (1) PCTNTC phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và (2) không vì đẩy mạnh PCTNTC mà ảnh hưởng, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tham nhũng, tiêu cực làm thất thoát tài sản, làm mất niềm tin của dân, làm tha hóa một bộ phận cán bộ, đảng viên. Song có lẽ thất thoát vô cùng lớn, thầm lặng mà ít người để ý đó là làm cho môi trường đầu tư kinh doanh méo mó khiến các quan hệ xã hội bị đảo lộn.
Khi đại dịch COVID-19 ập đến, các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, thậm chí tạm dừng trên phạm vi cả nước, tuy nhiên thời điểm đó giá chuyển nhượng đất đai ở nhiều nơi cả đô thị và nông thôn… lại tăng một cách chóng mặt.
Sau khi các vụ việc tham nhũng liên quan đến Công ty Việt Á được đưa ra xét xử, rất nhiều lời khai của các bị cáo tại tòa là dùng tiền đó đi… đầu tư đất. Làm giá nhà đất bị đẩy lên quá cao khiến phần lớn người dân có nhu cầu không thể mua được. Điều này dẫn tới hệ lụy hai mục tiêu là phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội mà Đảng, Nhà nước đang hướng tới bị phá vỡ.
Không chỉ vậy, tham nhũng đã làm méo mó môi trường cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh, thậm chí bẻ cong pháp luật và hậu quả là những doanh nghiệp làm ăn chân chính không thể trúng thầu các dự án. Kinh phí đầu tư dự án bị xà xẻo để hối lộ làm chất lượng công trình có thể không đảm bảo.
Tôi cho rằng tham nhũng gây rất nhiều tác hại đối với việc phát triển kinh tế - xã hội. Đối với lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, môi trường đầu tư kinh doanh không minh bạch, nhiều rào cản do cán bộ nhũng nhiễu gây ra sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư.
Hiện nay, các quốc gia đang đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng. Do vậy, nếu chúng ta không cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, không làm tốt công tác PCTNTC chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, điều này sẽ tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Và việc Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác PCTNTC trong thời gian qua không những tạo ra niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân mà còn giúp cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Khi kinh tế tăng trưởng, Nhà nước sẽ có thêm nguồn lực chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thuận lợi sẽ tạo được niềm tin đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước…
Cần đội ngũ dám nghĩ, dám làm, chống tham nhũng
. Thưa ông, mọi thành quả về phát triển kinh tế - xã hội chỉ có thể bền vững khi chúng ta có một bộ máy thật sự liêm chính?
+ Trong những năm qua, khi Đảng đẩy mạnh công cuộc PCTNTC đã có rất nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ, đảng viên giữ các cương vị cao bị kỷ luật, truy tố và chịu hình phạt của pháp luật. Trước tình hình này, không phải không có những tâm lý băn khoăn, lo lắng, những luồng ý kiến bày tỏ sợ sệt, sợ sai khi thực hiện nhiệm vụ.
Trong thực tế, có những vấn đề lý luận chưa theo kịp với đời sống thực tiễn phong phú, vì vậy quá trình thực hiện nhiệm vụ đã có những cán bộ năng động, sáng tạo, vận dụng và cuối cùng bị… kỷ luật. Tuy nhiên phải khẳng định rằng số nằm trong những trường hợp này là ít, rất ít, hầu hết sai phạm đều do cán bộ cố tình làm sai.
Trong thực tế, nơi nào cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm thì chắc chắn đơn vị, địa phương đó sẽ phát triển và ngược lại. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm, không dám làm khi công cuộc chống tham nhũng được đẩy mạnh. Nhưng rõ ràng đây chỉ là thiểu số bởi hàng triệu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên cả nước vẫn đang hằng ngày thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, tháng 9-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14. Cụ thể hóa kết luận này, tháng 9-2023, Chính phủ ban hành Nghị định 73 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Như vậy, những cán bộ, đảng viên thật sự tâm huyết, tận tâm với chức trách, nhiệm vụ có thêm phần an tâm vì đã có những cơ chế bảo vệ mình.
. Xin cảm ơn ông.
Ba yêu cầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Trong những tháng cuối năm 2024 và thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, mà phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, kiên quyết, kiên trì đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Theo đó:
(1) PCTNTC phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh PCTNTC mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế - xã hội.
(2) PCTNTC phải được triển khai đến tận cơ sở Đảng, chi bộ, phải được sự giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
(3) Đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là các biểu hiện tiêu cực là nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại phiên họp thứ 26, của BCĐ Trung ương về PCTNTC, ngày 14-8
*****
141 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật
Theo thống kê, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 8-2024 đã có 141 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 31 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 24 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Đã có 55 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (16 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng) bị xử lý hình sự; 32 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác…
Trong sáu tháng đầu năm 2024, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức Đảng, 11.005 đảng viên. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Các cơ quan chức năng đã khởi tố mới, điều tra 2.836 vụ án cùng 5.975 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 475 vụ án cùng 1.094 bị can về các tội tham nhũng.
(Theo báo cáo của BCĐ Trung ương về PCTNTC tại phiên họp thứ 26, ngày 14-8)
*****
TS CAO VŨ MINH, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM:
Cách thức nào để đảm bảo thực hiện hai nhiệm vụ song hành?
Yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng BCĐ Trung ương về PCTNTC, đã chuyển tải một thông điệp mới và rất quan trọng.
Trước hết, tôi cho rằng cần nhận thức tham nhũng, tiêu cực là một loại sâu bệnh sẽ làm mục ruỗng một quốc gia, một thể chế. Việc xử lý PCTNTC bằng các biện pháp cứng rắn như truy cứu chính trị và trách nhiệm pháp lý (bao gồm trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự) là cần thiết. Tuy nhiên, áp dụng các biện pháp trên với những cán bộ, công chức thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực không phải là đích đến cuối cùng. Không phải cứ xử lý thật nhiều, thật nặng đã là tốt.
Việc xử lý đó nếu là cần, chỉ nên áp dụng một cách khách quan, phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Điều này sẽ có giá trị phòng ngừa và răn đe để hướng đến mục đích cuối cùng của PCTNTC là đảm bảo hoạt động của các cơ quan công quyền được diễn ra hiệu quả, từ đó tăng cao hiệu quả phục vụ nhân dân, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.
Trong tương quan, việc đẩy mạnh PCTNTC cũng cần có những giải pháp toàn diện, căn cơ để không ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Công việc tiếp theo là các cấp, các ngành, các cơ quan phải có chiến lược và phương hướng hoạt động cụ thể để đạt được mục đích song hành đã đề ra là vừa PCTNTC vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với cơ quan lập pháp, có thể nghiên cứu để nội luật hóa các quy định về thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội - một trong tám hình thức thu hồi tài sản tham nhũng được quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Phương thức này không tập trung xét xử bị cáo hay hành vi phạm tội mà tập trung vào xử lý tài sản được cho là có nguồn gốc hoặc có liên quan đến tham nhũng, với mục đích thu hồi tài sản về cho ngân sách nhà nước hoặc trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp.
Đối với các cơ quan hành pháp, cần quán triệt việc thanh tra, kiểm tra để phát hiện các sơ hở trong hoạt động công vụ chứ không nhằm gây cản trở hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra, kiểm tra.
Cùng với đó, các quy định và thiết chế bảo vệ cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm cần được kích hoạt nhằm bảo vệ những con người mẫn cán, quên lợi ích bản thân mà cống hiến cho lợi ích chung.
Đối với các cơ quan tư pháp, cần minh định giữa những chủ thể cố ý thực hiện hành vi tham nhũng với những chủ thể vì vòng xoáy của quan hệ cấp trên - cấp dưới mà không còn cách nào khác là nhúng chàm, thực hiện vi phạm pháp luật về PCTNTC.
Trong bối cảnh nêu trên, các quy định về miễn trách nhiệm pháp lý hoặc cho hưởng hình phạt không cách ly khỏi xã hội cần được áp dụng để họ vẫn có thể đoái công chuộc tội, cống hiến sức mình cho sự phát triển của đất nước. Có lẽ với những phương pháp và cách thức này, công cuộc PCTNTC vẫn diễn ra một cách quyết liệt nhưng lại không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
------
TS HỒ NGỌC ĐĂNG, khoa Xây dựng Đảng Học viện Cán bộ TP.HCM:
Chống tham nhũng, tiêu cực cũng là công cụ phát triển kinh tế
Quan điểm này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ và tương hỗ giữa công tác PCTNTC và sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc đấu tranh PCTNTC không chỉ là một mục tiêu đơn lẻ mà còn là một công cụ để thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Việc loại bỏ tham nhũng sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Khi các nguồn lực được sử dụng hiệu quả, không bị thất thoát do tham nhũng sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống của người dân và nâng cao vị thế của quốc gia. Tuy nhiên, công tác này phải được thực hiện một cách khéo léo, tránh gây ra sự bất ổn, làm gián đoạn các hoạt động sản xuất, kinh doanh hay gây tâm lý lo lắng trong xã hội.
Theo tôi, mục tiêu cuối cùng của PCTNTC là xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, nơi mà mọi người có cơ hội phát triển bình đẳng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Quan điểm này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặt ra những yêu cầu cao đối với công tác PCTNTC trong giai đoạn hiện nay, với bốn vấn đề lớn. Cụ thể, về tính hệ thống, các hoạt động PCTNTC cần được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện, từ cấp cao nhất đến cấp cơ sở.
Về tính hiệu quả, các biện pháp PCTNTC phải mang lại hiệu quả thiết thực, cụ thể, không chỉ xử lý những vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã xảy ra mà còn ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực từ gốc rễ.
Về tính minh bạch, quá trình điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực phải được thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi của người dân. Cuối cùng là khuyến khích nhân dân tố cáo, cung cấp thông tin về các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Công tác PCTNTC là một nhiệm vụ lâu dài, phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của toàn xã hội. Việc thực hiện tốt công tác này không chỉ góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, mà còn là yếu tố quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
THANH TUYỀN ghi