Hai phe tranh cãi quyết liệt và viện dẫn căn cứ đều có vẻ khá thuyết phục.
Các chuyên gia luật có ý kiến thế nào về trường hợp này?
TS LÊ MINH HÙNG, khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM: Đây là hợp đồng tặng cho có điều kiện
Thứ nhất: Đây là một hợp đồng tặng cho có điều kiện. Nhà trai nói cho cô dâu tức là cho chị này trong trường hợp cả hai nên vợ nên chồng. Không ai đem một số tiền lớn như vậy để cho riêng một người cả, mà phải xem đây là tập quán cho vợ chồng để lấy vốn làm ăn sau này.
Theo Nghị quyết 01 và 02/1990 của HĐTP TAND hướng dẫn về tài sản chung, thì khi cha mẹ chồng đi hỏi cưới, có cho sính lễ, thì có phần về quà cưới là cho cô dâu, phần vàng số lượng lớn, thì cho hai vợ chồng làm vốn. Do đó, nếu số vàng năm, 10 lượng hay nhiều hơn, thì coi là cho làm vốn, tức cho hai vợ chồng để cùng nhau xây dựng cuộc sống mới và làm vốn mưu sinh, làm kinh tế chung.
Tôi ủng hộ nhận định của hai cấp tòa: Trường hợp này pháp luật không quy định nên áp dụng tập quán.
Ảnh minh họa.
Luật sư NGUYỄN SA LINH, Đoàn Luật sư TP.HCM: Về ý thức đó là cho chung cả hai
Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: "Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của luật này (Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng); tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.”
Vậy tài sản được cho trước hôn nhân có được xem là tài sản chung hay không cần căn cứ vào ý chí của người cho tài sản. Nếu người cho tài sản xác định cho cả hai vợ chồng thì đó là tài sản chung, nếu chỉ cho vợ thì đó là tài sản riêng của vợ.
Trên thực tế, tại đám hỏi, người cho tài sản đưa trực tiếp cho cô dâu nhưng có thể không nói rõ là cho riêng hay cho chung. Nhưng về ý thức đó là cho chung cả hai. Giả sử sau đám hỏi, hai bên không làm đám cưới, không đăng ký kết hôn thì thông lệ bên nhà gái sẽ trả số tài sản đó lại cho bên nhà trai. Do vậy, tòa xử chia tài sản chung là hợp lý, tuy nhiên cần nhận định dựa trên ý thức của người cho tài sản, thay vì cho rằng kể từ sau đám hỏi hai người đã là vợ chồng, từ đó cho rằng tài sản mà cả hai có được sau đám hỏi là tài sản chung.
Luật sư TRƯƠNG VĨNH, Đoàn Luật sư TP.HCM: Xử như hai cấp tòa là đúng quy định
Trước đây, TAND Tối cao có hướng dẫn nếu kết hôn mà ngắn ngày, thực tiễn xét xử là vài tháng đổ lại, thì khi ly hôn, tài sản của ai nấy giữ. Quy định vậy nhằm tránh tình trạng lợi dụng đăng ký kết hôn để phân chia tài sản.
Trường hợp này, sau đám hỏi, hai bên đã kết hôn và chung sống trên một năm, nếu không có cam kết tài sản riêng thì xử như hai cấp tòa ở TP Cần Thơ là đúng quy định pháp luật.
Một thẩm phán TAND Cấp Cao tại TP.HCM
Vàng là của cô dâu Trong vụ tranh chấp ly hôn này, tòa án hai cấp xử căn cứ vào tập quán phong tục để xác định tài sản là trang sức cha mẹ chồng cho con dâu nhân ngày đám hỏi là chưa bảo đảm căn cứ pháp lý. Theo tập tục từ xa xưa thì khi đi cưới vợ, ngày đám hỏi đàng trai luôn bị nhà gái thách cưới với đầy đủ lễ nghi và vàng vòng trang sức. Một số địa phương không có tập tục thách cưới nhưng khi đi hỏi vợ cho con, nhà trai luôn thể hiện khả năng giàu có của mình bằng việc cho con dâu nhân ngày ra mắt tại lễ hỏi. Ngày hỏi này, việc tặng vòng vàng của cha mẹ chồng là cho nàng dâu mới ra mắt cũng như bà con cô bác bên nhà trai tặng tiền cho cô dâu khi chú rể dẫn cô dâu đi chào hỏi cô bác bên mình thì các tài sản này không phải là của chung mà là tặng cho cô dâu. Chỉ khi nào cô dâu trả rượu không chịu đám cưới thì mới có nghĩa vụ trả lại cho bên đàng trai. Nếu cho để cưới, thì đây là hợp đồng có điều kiện. Khi điều kiện hoàn thành thì hợp đồng đó cũng phát sinh hiệu lực thực thi. Vậy thì tài sàn này coi như của riêng cô vợ rồi. Pháp luật hôn nhân gia đình đã quy định tài sản chung và tài sản riêng rất rõ ràng, không thể cho rằng có bà con cô bác hai họ chứng kiến là xem như tài sản chung vợ chồng. Theo tôi thì tài sản hình thành tại ngày lễ hỏi, vòng vàng do cha mẹ chồng cho là cho riêng cô dâu. Chính chú rể cũng là người đeo vàng cho vợ, có nghĩa là tài sản này do chồng và bên chồng cho cô dâu. Cô dâu có đồng ý nhập làm tài sản chung vợ chồng hay không là quyền của cô dâu, luật chưa quy định tài sản này là của chung vợ chồng. Nên việc xử chia đôi số vàng này là thiệt thòi cho cô dâu. Một kiểm sát viên VKSND TP.HCM |