Chuyên gia nhận định '3 mũi giáp công' của TQ tại Biển Đông

Tờ The Straits Times ngày 11-3 đăng bài phân tích của nguyên Phó Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio nhận định về “ba mũi giáp công” của Trung Quốc tại Biển Đông.

Năm 2003, Trung Quốc đã thông qua chiến lược tam chiến (Three Warfares) nhắm đến thế thượng phong tại Biển Đông nhằm đạt được mục đích kinh tế và quân sự mà không gây ra chiến tranh.

Ba mữi giáp công của Trung Quốc tại Biển Đông. Ảnh: REUTERS

Theo ông Carpio, các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông phải được nhìn nhận dựa trên chiến lược tam chiến này, gồm ba mặt trận chính sau:

Thứ nhất, Trung Quốc thúc đẩy chiến dịch tuyên truyền, theo đó tuyên bố với thế giới rằng "Biển Đông thuộc về Trung Quốc từ thời cổ đại". 

Trong Văn kiện lập trường (Position Paper) mà Trung Quốc đệ trình lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague năm 2014, Bắc Kinh nêu rõ: "Các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông có từ hơn 2.000 năm trước. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phát hiện, đặt tên, thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên của các quần đảo ở Biển Đông và là nước đầu tiên liên tục thực hiện quyền chủ quyền đối với chúng".

Ông Carpio gọi đây "tất nhiên là lịch sử giả tạo của thiên niên kỷ". 

Ông dẫn lại phán quyết của Tòa rằng: "Toà nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây".

Do đó, ông khẳng định loại hình chiến tranh thứ nhất của Trung Quốc đã “chết từ trong trứng nước”.

Thứ hai, Trung Quốc uy hiếp trắng trợn các quốc gia ven biển khác tại Biển Đông.

Từ năm 2013 đến năm 2015, Trung Quốc đã xây dựng trái phép ba cơ sở không quân và hải quân ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhằm áp đảo sức mạnh quân sự, đe dọa các quốc gia khác liên quan tranh chấp chấp nhận cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc là “ranh giới quốc gia” của nước này ở Biển Đông. 

Tuy nhiên, phán quyết của Tòa đã tuyên bố rằng “đường chín đoạn” của Trung Quốc không thể là cơ sở để nước này tuyên bố yêu sách đối với các vùng biển.

Do đó, tại Biển Đông có những vùng biển thuộc về toàn thể nhân loại, và có những vùng đặc quyền kinh tế chỉ thuộc về một số quốc gia ven biển tại Biển Đông, ông Carpio nhận định.

Theo ông, các cường quốc hải quân trên thế giới có thể triển khai tàu và máy bay, và tiến hành các cuộc tập trận hải quân ở vùng biển cả tại Biển Đông. Quyền tự do hàng hải và các hoạt động hàng không của Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Nhật, Ấn Độ và Canada góp phần ngăn cản Trung Quốc biến “đường chín đoạn thành ranh giới quốc gia ở Biển Đông”. Các quốc gia khác, như Đức và Hà Lan, cũng bày tỏ ý định khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.

Tàu hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: KYODO NEWS

Thứ ba, Trung Quốc thúc đẩy mặt trận pháp lý, theo đó khẳng định rằng các quyền chủ quyền của Bắc Kinh đối với Biển Đông có trước Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Trung Quốc tuyên bố không thể làm phương hại đến các quyền chủ quyền đã được trao trước năm 1982.

Theo ông Carpio, đây là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm tiếp tục đưa "các đặc điểm của Trung Quốc" vào luật pháp quốc tế, và những đặc điểm đó được thiết kế một cách tự nhiên chỉ để phục vụ lợi ích quốc gia của nước này. 

Tuy nhiên, ông dẫn lại phán quyết của Tòa rằng tất cả các quốc gia phê chuẩn UNCLOS đã đồng ý rằng tất cả các quyền lịch sử đối với tài nguyên biển vượt quá những gì UNCLOS cho phép sẽ bị chấm dứt khi UNCLOS có hiệu lực.

Tòa tuyên bố: "Tòa kết luận rằng yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong 'đường chín đoạn' là không phù hợp với Công ước".

Ông Carpio kết luận rằng mặt trận pháp lý này của Trung Quốc cũng đã thất bại.

Trung Quốc hồi tháng 2 đã ban hành luật hải cảnh mới, cho phép lực lượng hải cảnh nước này “thực hiện mọi biện pháp cần thiết trong đó bao gồm việc sử dụng vũ khí” khi cái mà TQ gọi là “chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và tài phán bị các tổ chức và cá nhân nước ngoài xâm phạm bất hợp pháp trên biển”.

Theo ông Carpio, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc, vốn cấm việc sử dụng hoặc đe dọa dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hoặc hàng hải giữa các quốc gia. 

Ông Carpio nhấn mạnh cả thế giới cần phản đối nỗ lực của Trung Quốc trong việc định hình lại luật pháp quốc tế để phục vụ duy nhất lợi ích của nước này. 

“Việc chấp nhận cam kết của Trung Quốc rằng nước này sẽ ‘kiềm chế’ trong việc thực thi luật mới này là một sự đảm bảo dại dột, vì luật mới của Trung Quốc không chỉ vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc mà còn có thể bị Trung Quốc sử dụng bất cứ lúc nào để chống lại bất kỳ quốc gia ven biển nào” – ông Carpio kết luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới