Chuyển giao nghĩa vụ phải được bên có quyền đồng ý

Lý do: Tòa sơ thẩm đã giải quyết không đúng yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Theo bà Hạnh, trước đây bà và bà Cù Thị Bá có cho ba người quen của ông Hùng vay 600 triệu đồng. Ngày 3-8-2007, ông Hùng nhận lời trả nợ thay và viết giấy hẹn ngày 7-9-2007 sẽ trả hết nợ cho hai bà. Đến hẹn, ông Hùng trả đủ 600 triệu đồng cho bà Bá nhưng bà Bá không giao lại cho bà Hạnh. Nay bà Hạnh khởi kiện yêu cầu ông Hùng trả bà 300 triệu đồng và lãi phát sinh gần 150 triệu đồng.

Bà Bá thừa nhận đã nhận 600 triệu đồng của ông Hùng. Tuy nhiên, phần của bà Hạnh chỉ có 20 triệu đồng, bà đã giao đủ cho bà Hạnh, không có biên nhận. Giờ phát sinh tranh chấp, bà đồng ý thay ông Hùng trả số tiền bà Hạnh yêu cầu ông Hùng trả.

Xử sơ thẩm, TAND quận Gò Vấp nhận định: Bà Bá không chứng minh được phần của bà Hạnh chỉ có 20 triệu đồng trong số tiền chung 600 triệu đồng. Giấy ghi nợ cũng không ghi rõ phần tiền của từng người, không giao hẹn phải trả cho từng người. Ông Hùng đã thanh toán nợ chung cho bà Bá thì giữa bà Bá và bà Hạnh tự giải quyết với nhau. Tòa ghi nhận sự tự nguyện của bà Bá nên tuyên buộc bà Bá phải trả cho bà Hạnh gần 450 triệu đồng.

Sau đó, bà Hạnh kháng cáo, cho rằng bà chỉ yêu cầu ông Hùng trả. VKSND quận Gò Vấp cũng kháng nghị yêu cầu sửa án, buộc ông Hùng phải trả cho bà Hạnh.

HĐXX phúc thẩm nhận định việc tòa sơ thẩm quyết định chuyển giao nghĩa vụ trả nợ của ông Hùng cho bà Bá mà không có sự đồng ý của bà Hạnh là vi phạm Điều 315 BLDS (bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý). Từ đó, tòa quyết định sửa án sơ thẩm, buộc ông Hùng phải trả cho bà Hạnh 450 triệu đồng. Về khoản tiền ông Hùng đã giao cho bà Bá, nếu ông Hùng có yêu cầu thì sẽ được giải quyết bằng một vụ án khác. 

LỆ TRINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm