Chuyện nhỏ ở giải Fair Play

Tuyển thủ quốc gia Phạm Thành Lương khi hay tin được đề cử cho giải thưởng Fair Play cứ ngỡ ngàng như không tin vào mắt mình. Anh hỏi đi hỏi lại chúng tôi rằng có thật mình đoạt giải không vì không nghĩ việc nhanh chóng đem bông băng giúp CĐV Việt Nam cầm máu trên sân Shah Alam của mình lại được đánh giá cao như thế.

Lúc nhận thư mời từ Hà Nội vào TP.HCM nhận giải thưởng, Thành Lương mới biết rõ việc làm nhỏ của mình gây sự xúc động mạnh trong dư luận và có ảnh hưởng lớn đến những lá phiếu bầu. Một thành viên trong hội đồng thẩm định nhìn nhận hành động của Thành Lương gây nhiều thiện cảm hơn giữa các tuyển thủ quốc gia với người hâm mộ thường có những khoảng cách nhất định. Đây còn là quá trình thuộc về bản chất của tiền vệ khoác áo Hà Nội T&T luôn có thái độ thân thiện với mọi giới cùng một tinh thần chiến đấu hết mình trên sân cỏ.

Thành Lương được các CĐV VFS yêu mến phong là “hot boy”. Ảnh: CTV

Đội trưởng U-19 Việt Nam Xuân Trường nhút nhát trên sân khấu với lời hứa luôn chơi đẹp. Ảnh: XH

Sau khi nhận giải, Thành Lương tâm sự: “Tôi nghĩ là một người Việt Nam, ai thấy cảnh tượng đồng bào mình bị tai nạn trên đất khách cũng có hành động tương tự mình thôi. Huống hồ đây là một CĐV đang sát cánh bên chúng tôi trong lúc chơi bóng khó khăn trên sân của Malaysia. Nhìn thấy cảnh tượng CĐV Việt Nam bị đánh hỗn loạn trên khán đài, tôi và đồng đội đau lòng lắm. Hoàn cảnh của tôi chỉ thuận lợi hơn khi bên cạnh là thùng đồ nghề của bác sĩ có sẵn dụng cụ băng bó tạm thời. Trái tim con người khi gặp trường hợp đấy thì ai cũng mách bảo như vậy thôi”.

Riêng cựu tuyển thủ quốc gia Phạm Minh Đức không muốn nói nhiều về hành động đẹp của mình. Anh cắc cớ đặt ra những câu hỏi: “Với cương vị là thầy của các cầu thủ trẻ, anh có xúi học trò mình đá bậy không? Nếu cầu thủ nghe anh làm chuyện xấu trên sân bóng, liệu chúng sẽ nghĩ về thầy mình như thế nào? Khi đó thầy nói gì, trò có nghe nữa không? Tôi chỉ nghĩ đơn giản bóng đá phải cao thượng và trung thực. Cả đời cầu thủ mình đã giữ gìn hình ảnh mới có ngày đứng lớp gõ đầu trẻ, chỉ vì một lần mờ mắt với cám dỗ thành tích thì hỏng cả đời”.

Trong khi đó, chủ tịch Hội CĐV Việt Nam (VFS) thì kể với chúng tôi rất nhiều câu chuyện vui buồn trên bước đường cổ động của mình. Anh mê bóng đá từ nhỏ, đến lúc được các bạn trẻ tín nhiệm bầu vào chiếc ghế cao nhất VFS, anh Nghĩa luôn dặn dò đàn em làm sao phải giữ hình ảnh đẹp của mình trên khán đài. Anh nghiêm cấm các thành viên lợi dụng danh nghĩa của VFS vào những hoạt động khác ngoài bóng đá. Trên hết, anh Nghĩa mong muốn kết nối tất cả hội CĐV trên cả nước mỗi lần đến sân bóng là một ngày hội thể hiện tình yêu bóng đá của mình một cách thật văn minh và chân thành.

Về người đoạt giải lớn nhất và trẻ nhất

Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM Trần Anh Tú hơn 10 năm gắn bó với Futsal đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của làng bóng Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Với những đóng góp thầm lặng của mình, ông Tú đã được các chuyên gia bóng đá đánh giá cao về sự nghĩa hiệp của người đàn ông ăn cơm nhà vác ngà voi. Trong buổi lễ vinh danh Fair Play, ông bầu Trần Anh Tú điềm đạm tự nhắc nhở mình và hứa hẹn như một lời tuyên thệ của người lính. Ông nói sẽ giữ mãi ngọn lửa đam mê bóng đá cháy bỏng lẫn dốc sức nâng tầm bóng đá Việt Nam như tính toán chiến lược của một doanh nhân thành công trên thương trường.

Thay mặt đội tuyển U-19 Việt Nam, đội trưởng Xuân Trường 20 tuổi rụt rè diễn tả cảm xúc của mình: “Đội tuyển U-19 Việt Nam may mắn lần thứ hai đoạt giải thưởng này và em xin cảm ơn sự động viên lớn lao cho những bước đầu của sự nghiệp cầu thủ. Mỗi lần ra sân chơi bóng, chúng em luôn hiểu rằng phải nỗ lực, cống hiến, chơi đẹp để đạt được thành công”.

CÔNG TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm