Năm 2008 là kỳ AFF Suzuki Cup đầu tiên của Thành Lương. Khi ấy anh mới 20 tuổi. Với cái chân trái siêu “dị” của mình, Thành Lương lập tức gây ấn tượng ở trận gặp Malaysia khi mở tỉ số bằng một cú sút xa không tưởng. Bàn thắng ấy đã giải tỏa tâm lý cho đội tuyển, bởi trong trận khai mạc, đội tuyển Việt Nam đã để thua Thái Lan và chỉ có thắng lợi trước người Mã, chúng ta mới rộng cửa vào bán kết.
Sau khi ghi bàn, anh lấy ra một lá quốc kỳ nhỏ được chuẩn bị sẵn, căng lên, vừa chạy vừa ăn mừng. Đó là một hình ảnh không hiếm ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam thì đây là lần đầu tiên. Hành động ấy như một lời cam kết sẽ chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo mà cá nhân anh và tất cả tuyển thủ muốn gửi đến hàng triệu người hâm mộ nước nhà.
AFF Suzuki Cup 2010, cũng trong trận đấu gặp Malaysia nhưng lần này là ở bán kết, anh khóc nức nở khi phải rời sân sau khi nhận chiếc thẻ vàng thứ hai vì lỗi… “ăn vạ”.
Đó không chỉ là những giọt nước mắt của tuổi trẻ mà còn là nỗi lòng của một người đàn ông luôn khát khao cống hiến. Những giọt nước mắt ấy là cầu nối tâm trạng giữa người hâm mộ và đội tuyển. Rất nhiều khán giả đã khóc theo anh, rất nhiều con tim ứ nghẹn nhìn anh rời sân trong ấm ức. Một sự đồng cảm đáng trân trọng.
Đến năm 2014, trong trận bán kết lượt đi với đối thủ quen thuộc là… Malaysia, cổ động viên Việt Nam bị một nhóm quá khích người Malaysia đánh trên khán đài. Một cổ động viên bị đánh máu chảy đầm đìa. Khi ấy, Thành Lương đang ở khu kỹ thuật đã nhanh trí xin băng bông cứu thương của bộ phận y tế và tức tốc chạy nhanh đến khán đài chuyển lên để kịp cầm máu và sơ cứu cho các cổ động viên Việt Nam gặp nạn.
Một hành động rất bình thường nhưng không dễ bắt gặp trong xã hội hiện nay khi con người ta dần trở nên ích kỷ. Một hành động cho thấy ý thức dân tộc; là sự tôn trọng, sẻ chia với khán giả; là liều thuốc giảm đau kịp thời cho những gì các cổ động viên nước nhà phải gánh chịu. Với hành động này, một lần nữa Thành Lương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một đại sứ truyền tải niềm tin, tình yêu giữa người hâm mộ và bóng đá Việt Nam.
HOÀNG HẢI (801/3/7, Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 26,
quận Bình Thạnh, TP.HCM)