Khu vực này vốn trước đây là chợ tự phát đã tồn tại hàng chục năm, vừa gây mất trật tự đô thị, ảnh hưởng đến giao thông và vệ sinh môi trường. Đây là một trong khoảng 80 “điểm đen” ô nhiễm rác thải trong năm năm qua đã được quận 12 giải quyết dứt điểm.
Với nỗ lực này, không có gì lạ khi quận 12 là một trong những địa phương đứng đầu về việc giải quyết các điểm ô nhiễm rác thải trong cộng đồng dân cư. Đặc biệt, trong khoảng 80 “điểm đen” ô nhiễm rác thải, quận 12 đã chuyển hóa 35 điểm thành các công viên, khu vui chơi cho trẻ em. Trong đó có những bãi rác hôi thối “hành” dân bao nhiêu năm bỗng trở thành công viên rộng tới 1.000 m2 với cây xanh, bồn hoa, thảm cỏ mát rượi, có cả máy tập thể dục phục vụ cho cộng đồng cư dân…
Công viên chợ Đường, tại phường Thạnh Lộc có diện tích khoảng 500 m2 vốn trước đây là chợ tự phát. Ảnh NGUYỄN HIỀN |
Tại TP Thủ Đức, từ năm 2019 đến nay, cũng đã xóa được 140/201 điểm rác tồn đọng, ô nhiễm. Trong đó, cũng như quận 12, TP này đã biến hàng loạt bãi rác thành công viên, vườn hoa, vườn rau, khu vui chơi thiếu nhi, thể dục thể thao ngoài trời tại các phường Trường Thọ, Bình Thọ, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Phú…
Trên đây chỉ là hai ví dụ điển hình của việc xóa các “điểm đen” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Việc cải tạo những bãi rác thành công viên, điểm vui chơi giải trí mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng đang trở thành phong trào có sức lan tỏa rộng khắp tại TP.HCM.
Theo Sở TN&MT TP.HCM, từ năm 2018 đến nay, TP đã giải tỏa được 989/1.002 điểm ô nhiễm về rác thải và chuyển hóa 243 điểm thành công viên, vườn hoa phục vụ người dân. Riêng trong năm 2022, toàn TP phát sinh 113 điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải. Các địa phương đã giải tỏa thêm 136 điểm ô nhiễm rác thải và tiếp tục chuyển hóa thêm 50 điểm thành khu sinh hoạt cộng đồng.
Số liệu trên đây chính là “quả ngọt” sau năm năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP thực hiện Chỉ thị 19/2018 của Thành ủy về thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”.
Đằng sau các số liệu nêu trên chính là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ và cùng vào cuộc của người dân TP. Những công trình hiện hữu, những môi trường sạch đẹp, văn minh phục vụ sát sườn cho chính cuộc sống của người dân, hơn ai hết chính là những bằng chứng thuyết phục nhất về hiệu quả của cuộc vận động theo tinh thần Chỉ thị 19.
Một siêu đô thị có lượng rác “khủng” với hơn 9.000 tấn/ngày, chỉ cần người dân thiếu ý thức thì hậu quả về môi trường là khôn lường. Qua năm năm thực hiện cuộc vận động, những kết quả trên đã cho thấy chủ trương từ chỉ thị đã được hiện thực hóa một cách sinh động và thuyết phục. Kết quả đã có, quan trọng hơn nữa không chỉ là tiếp tục phát huy thành quả, mà còn phải giữ gìn được kết quả này để vừa làm động lực vừa tạo sức lan tỏa cho những điểm mới phát sinh sau này.