Chuyện vui của người làm báo

Vậy là tôi đã có hơn hai năm làm nghề báo. Mảng xã hội mà tôi theo đuổi cho tôi cơ hội được gặp gỡ và sống với nhiều phận đời khác nhau.

Mỗi hoàn cảnh, từng nhân vật, từng phận đời mà tôi có duyên gặp gỡ rồi kể với độc giả, để họ cùng lắng nghe cuộc đời của nhau luôn khiến bản thân tôi thấy ấm áp đến lạ. Để rồi, những lời tâm sự sau đó của chính nhân vật, của những con người xa lạ đã trở thành động lực để tôi vững tin vào nghề, vào ngòi bút của mình hơn nữa.

Tôi còn nhớ rõ lắm, giọt nước mắt của chị Lê Thị Thủy, là nhân vật trong bài viết Vợ người lính Trường Sa: “Mong phép màu cho con tôi!”. Khi tôi tìm gặp chị để tìm hiểu về trường hợp của bé Hồ Lê Thanh Bình, cô con gái nhỏ của chị dù còn nhỏ nhưng mắc chứng teo não, teo phổi, nhiễm trùng máu và đường ruột, phải nhờ đến máy móc để kéo dài hơi thở, chị kể với tôi mà nước mắt rơi không ngớt, lòng hoang mang vì không biết phải đối mặt như thế nào.

Chị Thủy khóc đến cạn nước mắt vì lo cho đứa con nhỏ của mình. Ảnh: Thanh Tuyền

Trưa hôm đó, tôi chỉ biết lặng im, nghe chị trút hết nỗi lòng... Rồi bài viết về hai mẹ con chị lên mặt báo, lượt bạn đọc phản hồi và ủng hộ cho gia đình chị tăng lên mỗi ngày. Ngày tôi trao chị số tiền mọi người quyên góp để giúp cho bé Bình, chị lại khóc...

Chị khóc vì cảm thấy đỡ đơn độc trên hành trình đau đớn của mình. Anh công tác ngoài đảo xa nên chẳng thể sát cánh cùng chị. Nhìn con nằm giữa đám máy móc, nặng nề từng hỏi thở chị sợ mình không đủ sức vượt qua... Thế nhưng tình cảm của độc giả đã níu chị lại, giúp chị giữ niềm tin để cùng con vượt qua cơn bạo bệnh.

Một lần trở lại thăm chị, với nét mặt tươi tắn hơn chị nói: “Chị từng tuyệt vọng nhưng tình cảm của mọi người đã giúp. Không phải là số tiền đâu, mọi người cho chị thêm tinh thần, thêm kiên nhẫn. Chị phấn chấn hơn rất nhiều vì mọi người đã dành sự quan tâm dù không quen biết chị”.

Lần này chị cười chứ không khóc. Những lần gọi điện thăm hỏi sau đó, thôi nghe giọng chị vui vẻ kể về con.

Khi phóng viên Thanh Tuyền đến trao số tiền và tình cảm bạn đọc gửi cho mình, chị Thủy đã trải lòng rất nhiều.

Một lần tôi vào Trung tâm tâm thần Thủ Đức viết bài về những người mẹ điên đã có con hoặc đang mang thai. Giữa khắc nghiệt của cuộc đời, họ phải một mình vượt cạn, sinh ra những đứa con mà ngay chính họ cũng không rõ cha đứa bé là ai... Trong thế giới họ đang sống, tình mẫu tử thiêng liêng cứ chập chờn, lúc mong manh, lúc dữ dội, vì ngay chính họ cũng không rõ ranh giới của tỉnh táo và điên loạn. Họ bị chính người thân của mình ruồng bỏ.

Hôm đó, có cô bé 18 tuổi (mang thai 37 tuần tuổi) đã hỏi tôi: “Chị là ai? Sao tự nhiên vào đây nói chuyện với tụi em vui vậy? Trước giờ đâu có ai muốn vào đây ngoài nhân viên ở đây đâu. Ngay cả mẹ em còn không vào mà”... Tôi chỉ biết cười trừ, rồi lại tiếp tục câu chuyện với em.

Ngày tôi trở lại để thăm mọi người, chị trưởng phòng CTXH nói cô bé đó đã sinh con rồi và rất khỏe mạnh. “Ngày bé sinh có nhờ chị nếu gặp lại em thì nói là bé gởi lời cảm ơn vì đã ngồi nói chuyện với nó, lâu lắm rồi không có ai trò chuyện với bé cả. Con bé bảo nó cảm nhận vẫn có người quan tâm mình nên hứa sẽ cố gắng điều trị tốt để chăm con khỏe mạnh”, chị nói với tôi.

Từng mảnh đời nhờ sự kết nối của các nguồn tin, trong đó có báo chí, có thể được giúp đỡ.

Hành lang BV Nhi đồng 1 trong ngày đầy nắng, có một mạnh thường quân đã nói với tôi rằng: “Thật lòng chị thấy cảm ơn phóng viên tụi em rất nhiều. Vì một người bình thường như chị không thể kiểm soát hết mọi thông tin để giúp đỡ từng hoàn cảnh, còn tụi em bỏ công, bỏ thời gian chạy ngược xuôi để hỏi như vậy, đưa thông tin chính xác nhất đến cho độc giả. Chị cảm ơn tụi em rất nhiều”.

Tôi luôn nghĩ nghề nghiệp của mình cũng như bao nghề khác thôi, dẫu có nhiều khó khăn riêng, có lúc thấy mình bất lực thật đó... nhưng chỉ cần niềm vui nho nhỏ như nụ cười tươi tắn của chị Thủy, lời hứa của cô bé 18 tuổi cũng đủ để tôi tự nhắc mình hãy cứ giữ vững niềm say mê với nghề dù chông gai phía trước còn nhiều lắm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới