Cô Ba vé số và bục giảng về khuya

Ban ngày bán vé số, ban đêm dạy học miễn phí, không chỉ hàng xóm xung quanh mà nhiều người trên địa bàn phường Phú Cường (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) cũng quen thân và gọi người phụ nữ ấy với cái tên trìu mến: cô Ba.

Đắn đo khi đứng trước cổng viện dưỡng lão

5 giờ chiều, tiếng đọc bài rộn rã tại lớp học tình thương phường Phú Cường. Bà lão dáng người nhỏ nhắn đang thoăn thoắt đi hết bàn này đến bàn khác xem mấy đứa con nít chép bài. Thỉnh thoảng bà lại ngồi xuống chiếc ghế cạnh bục giảng, quan sát một vòng lớp học. Bà lão tên thật là Nguyễn Thị Ba, năm nay đã 72 tuổi.

Vốn sinh ra trong một gia đình nông dân nhưng các anh chị em và cô Ba đều được cha mẹ cho đi học và lần lượt theo nghiệp nhà giáo. Cô Ba nhớ lại: “Hồi đó cha mẹ cô là nông dân, nghèo lắm nên không có đất đai gì, chỉ cố gắng cho con đi học có cái chữ để lại cho con cái tự nuôi thân”. Kể từ đó, cô chọn gắn bó với bục giảng gần suốt quãng đời của mình.

Năm 2003, cô về hưu, vì không có gia đình nên cô về quê anh trai ở Vĩnh Long sống được gần một năm nhưng còn thương học trò và lưu luyến bục giảng nên cô Ba trở lại Bình Dương thuê trọ, sống bằng tiền dạy kèm và lương hưu hằng tháng.

Nghĩ tuổi già chiếc bóng, cô có ý định vào trung tâm nuôi dưỡng người già để có chỗ nương tựa lúc ốm đau. Tuy nhiên, sau nhiều lần đắn đo, cô dừng lại suy nghĩ đó, vì theo cô: “Bây giờ sức khỏe vẫn còn, mình lại có cái nghề mà cha mẹ cho thì tại sao lại không mang con chữ dạy cho các em có hoàn cảnh khó khăn ở quê mình”. Nghĩ là làm, năm 2016, nhờ sự giới thiệu của người quen, cô tìm đến Trung tâm văn hóa phường Phú Cường để xin được đứng lớp dạy các em nhỏ tại lớp học tình thương. Thấm thoát cô đã gắn bó với các em ở đây gần năm năm.

Ngày nắng cũng như ngày mưa, lớp học của cô Ba luôn rộn rã tiếng cô trò. Ảnh: NGUYỆT NHI

Mang con chữ đến gần hơn với trẻ em nghèo

Hiện tại lớp học của cô có 20 em học sinh, theo học môn tiếng Việt với đủ trình độ từ lớp 1 đến lớp 5. Tùy vào từng cấp độ của mỗi em, cô sẽ trực tiếp hướng dẫn riêng từng em trong mỗi buổi học. Cũng như một lớp học bình thường, đầu buổi học cô cũng cho các em điểm danh, ghi sĩ số lớp, sau đó cho các em đọc bài, luyện chính tả và kiểm tra thường xuyên.

Những em học sinh ở lớp học tình thương Phú Cường có em phải bươn chải từ rất sớm đủ mọi công việc như bưng cơm, bán vé số… Mỗi em có một hoàn cảnh nhưng đều có chung một mong ước là được đến lớp, được học chữ.

“Con ao ước được đi học nên cô Ba đưa con vào đây học để con có được bạn bè, cô giáo. Cô giúp đỡ con từ sách vở đến mì và gạo. Con rất yêu mến cô Ba” - em Hoàng Ngọc Nhi (lớp 5) chia sẻ.

Còn Danh Thị Anh Tiến (lớp 2) chia sẻ: “Cô dạy cho con đánh vần, cô dạy cho con viết chữ, cô dạy cho con biết lễ phép”.

Cô Ba tâm niệm: Trước khi dạy con chữ, học trò của cô phải là người có đạo đức, ngoan ngoãn và lễ phép. Vì vậy mà mỗi khi thấy cô Ba hay bất kỳ người lạ nào bước vào cổng trường, những tiếng chào đã vang lên khắp sân Trung tâm văn hóa phường Phú Cường.

Đến lớp học để đón con, trên tay còn cầm xấp vé số của ngày hôm sau, chị Phan Thị Bích Châu (phụ huynh) chia sẻ: “Con tôi học với cô Ba được ba năm rồi, từ hồi nó học, tôi thấy con mình lễ phép hơn hẳn. Cả nhà tôi đều bán vé số. Con nó học được cái chữ ở đây mai mốt ra đời cũng khôn một chút, tôi mang ơn những người như cô Ba rất nhiều!”.

Những buổi chiều trước khi vào học, các em được mạnh thường quân hỗ trợ một bữa cơm. “Nhìn các em ăn, tôi thấy rất chạnh lòng, thay vì ăn cơm sum họp buổi chiều với gia đình, các em phải đến đây ăn cùng các bạn và lên lớp” - cô Ba nói. Người phụ nữ với đôi mắt vẩn đục sau chiếc kính dày cộm chia sẻ về các em nhỏ nhưng bà cũng quên rằng bản thân cũng lầm lũi một mình sau giờ tan lớp.

Ngày nắng cũng như ngày mưa, cô và trò vẫn nối tiếp các buổi học. Những đứa trẻ rồi sẽ lớn lên, mỗi người một hướng đi nhưng tin rằng rồi đây các em sẽ không thể quên hình ảnh cô giáo mang con chữ đến gần hơn với nhiều hoàn cảnh khó khăn. Và sẽ không thể nào quên đã có một lớp học như thế - lớp học đầy tình yêu thương.

Chỉ tiêu mỗi ngày 100 tờ vé số

Không chỉ dạy chữ, cô còn thường hỗ trợ gia đình học sinh gạo, mì gói để các em yên tâm học tập. Cô tự đặt ra chỉ tiêu mỗi ngày phải bán hết 100 tờ vé số. Một nửa dành để trang trải sinh hoạt cá nhân, một nửa để dành mua quà, hỗ trợ cho các em. Có những ngày gặp khách quen biết đến việc làm của cô Ba, họ hào phóng mua hẳn vài chục tờ coi như hỗ trợ cô làm việc thiện. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm