Nữ bí thư khu phố ít chịu ở nhà

Mỗi chiều, cứ sau khi xong việc nhà, bà Nguyễn Thị Ánh Minh (64 tuổi) lại sang trụ sở khu phố, thăm hỏi bà con xung quanh nơi mình ở. Bà Minh đảm nhận công việc bí thư chi bộ của khu phố hơn một năm nay và luôn tận lực với công việc, sát sao với từng hộ dân…

Chị Tư “mát tay” của khu phố

Người dân trong khu phố gọi bà là chị Tư và khi “chị Tư” đi ngang, người đang ngồi trong nhà cũng chạy ra chào một tiếng, người thì kéo tay “chị Tư” lại để tâm sự chuyện gia đình.

“Ở khu phố này có chị Tư luôn hỏi han, động viên nên bà con chúng tôi thấy mình được quan tâm hơn” - nhiều người dân ở đây cười đùa.

Bà “xộc” vào mọi chuyện, từ chuyện lũ trẻ con theo cha mẹ bỏ quê không được đi học đến chuyện mất trật tự trên địa bàn, người nghiện có biểu hiện không tốt…

Mọi người có khi thấy bà đi vận động các em đến lớp học tình thương để biết con chữ, có lúc bà tỉ tê ở nhà có người trở về sau cai nghiện, có lúc bà loanh quanh mấy con hẻm hỏi thăm người này người kia và bà đặc biệt quan tâm đến người dân nhập cư, thương hồ.

“Thấy họ sống khó nhọc, không có nghề nghiệp ổn định, con cái không đến trường là chị Tư lại tìm đến. Chị cùng các anh em trong khu phố đến nhà vận động để các cháu nhỏ đến lớp học tình thương, kiếm kế sinh nhai cho họ, giới thiệu thêm việc này việc kia cho họ làm tại nhà để trang trải cuộc sống” - bà Nguyễn Thị Xuân Thanh (60 tuổi) kể.

Bà Thanh cho hay: “Chị Tư ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà mình. Tìm chị Tư thì không cần phải đến nhà, cứ đi lòng vòng là gặp thôi”.

Có hôm xảy ra vụ gây rối vào ban đêm, bà vẫn có mặt cùng anh em để giải quyết. “Thấy chị ấy là phụ nữ, lại lớn tuổi, chúng tôi nói “chị về nghỉ, để tụi em lo” nhưng chị ấy không chịu, chỉ khi sự việc đâu vào đó rồi mới chịu về. Chị còn nhắn trong nhóm Zalo là có gì nhớ báo ngay cho chị” - anh Trương Trung Đạt, trưởng ban điều hành khu phố, nói.

Bà cũng chủ động lập các nhóm qua Zalo trong khu phố để nắm thêm tình hình ở địa bàn. “Lúc đầu có khó khăn, chưa quen, với lại mình cũng lớn tuổi nên nhiều cái không nhạy bằng các em trẻ. Nhưng chịu học mấy anh em là được hết. Khi đã nhận nhiệm vụ thì không cho phép bản thân thờ ơ, vô trách nhiệm hay chậm trễ trước những tâm tư, bức xúc của người dân” - bà Minh nói.

Bà Nguyễn Thị Ánh Minh, Bí thư khu phố, luôn dành thời gian xuống nhà dân thăm hỏi, nắm tình hình.  Ảnh: THANH TUYỀN

Tôn trọng tiếng nói của dân

Tháng 4-2018, người dân ở khu phố 2 mừng vì hai con hẻm được bê tông hóa, khang trang hơn. Đây là “công trình” mà bà cùng mọi người trong ban điều hành khu phố đi thuyết phục người dân góp công, góp của. Có chuyện đóng góp nhiều ít giữa các hộ dân nên khi biết chuyện, bà đến từng nhà phân tích, trò chuyện với lập luận: Đừng so đo ít nhiều làm gì, người nào khá giả, có lòng đóng nhiều đỡ đần cho những nhà còn khó khăn hơn. Nhiều nhà bà phải đến hai, ba lần thuyết phục rằng “đóng góp là tấm lòng với nhau chứ không phải ép buộc” và khi con đường tươm tất hoàn thành, ai cũng vui vì họ thấy chính họ là người làm cho khu phố sạch đẹp hơn.

“Mọi người thân tình, trở thành điểm tựa của nhau, không ai so đo, tính toán gì là niềm vui của tôi khi nhận vị trí này” - bà Minh nói.

Trước mỗi cuộc họp dân, bà Minh đều phân công các tổ trưởng phát thư mời đến từng nhà. Có lần một tổ trưởng đến nhà dân mà không gặp, người này nhét thư mời vào cánh cổng. Không may gió làm rơi thư mời xuống đất và người chủ nhà chụp ảnh, đăng lên Facebook cá nhân bày tỏ sự bức xúc.

Ngay khi tiếp nhận được thông tin, bà tìm hiểu sự việc và lập tức đến nhà dân ngay trong đêm dù trời đang mưa to. Bà đã thay mặt tổ trưởng xin lỗi và chia sẻ về cái khó của cả hai bên. “Tôi có chia sẻ thêm để hai vợ chồng hiểu và thông cảm, vì người tổ trưởng này cũng phải về gấp để chăm cháu mà lúc đó nhà anh chị không có ai. Sau đó người tổ trưởng đã nói xin lỗi gia đình, bảo rằng sau này sẽ chọn thời điểm thích hợp hơn để đến nhà gửi thư mời, hai bên đều vui vẻ” - bà Minh nhớ lại.

“Chỉ thành thật, chân thành, người dân sẽ lắng nghe. Họ không so đo, không tính toán, chỉ cần chúng ta có sự cầu thị, biết lắng nghe và sửa sai thì họ sẵn sàng tha thứ hết” - nữ bí thư khu phố nói. Bà cũng trải lòng: Đừng để người dân cứ mỗi lần đến khu phố, đến phường, quận… là nghĩ như đến công đường. Họ cần mình thì mới đến nên cán bộ đừng tỏ ra gay gắt với dân.

Điểm tựa luật pháp của bà con

Người dân ở khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (TP.HCM) hễ có thắc mắc gì về giấy tờ pháp lý, các vấn đề về luật pháp đều được bà Minh giải đáp tận tình. Bà Xuân Thanh, người dân sống ở khu phố 2, kể lại có người ở tuốt Bình Dương, Bình Phước nghe người thân kể về bà Minh cũng tìm đến để hỏi thăm.

Nhắc về điều này, bà Minh chỉ cười trừ, nói rằng bà từng học luật nên khi người dân cần, bà sẵn sàng chia sẻ. Nhiều năm nay bà trở thành điểm tựa của bà con khu phố 2 về luật pháp. Từ vấn đề hôn nhân gia đình đến các tranh chấp dân sự, tài sản trong dân, bà đều tư vấn, giúp họ nắm và hiểu thêm về luật.

“Có gần dân mình mới hiểu ra là họ chưa có điều kiện để hiểu và biết về luật. Tôi chỉ là cố gắng để mở ra cho họ cơ hội hiểu thêm để tự bảo vệ mình, bổ sung thêm cái họ còn thiếu” - bà Minh cười, nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm