Chiều 4-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận phiên toàn thể tại hội trường.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) nêu thực trạng nhiều nhân lực khu vực công chuyển sang khu vực tư, trong đó phần lớn là nhân lực chất lượng cao. Việc thu hút nhân tài vào khu vực công vẫn còn gặp khó khăn nhất định. Mức lương khởi điểm của công chức không đủ thuê nhà ở tại các thành phố lớn.
Liên quan đến vấn để thể chế - “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, được nói nhiều thời gian qua, ĐB Đồng nhắc lại tại thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định các luật về đầu tư có nhiều điểm mới rất đột phá, giải phóng được sức sản xuất, khơi thông được các nguồn lực, nhất là những lĩnh vực mới.
"Nhưng theo tôi, để gỡ được điểm nghẽn thể chế thì rất cần tháo gỡ về nhân lực. Bởi, nhân lực thực sự cũng đang bị nghẽn", ông Đồng nêu quan điểm.
Theo ĐB Đồng, thời gian qua, việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương được nhắc đến rất nhiều. Báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, ở kỳ họp này có nhiều đại biểu phát biểu, những tranh luận kéo dài về việc chữa bệnh cán bộ công chức sợ sai, sợ trách nhiệm. Kết quả xếp loại chất lượng công chức trong năm 2023 chỉ có 6,57% là không hoàn thành nhiệm vụ, còn lại đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Dẫn phát biểu của Tổng Bí thư về việc 70% ngân sách dùng cho chi thường xuyên, trả lương không còn tiền để đầu tư phát triển, ĐB Đồng đặt câu hỏi: “Vậy thì tinh giản biên chế đã thực sự đạt yêu cầu chưa?”.
Về cải cách tiền lương, ĐB Đồng nhấn mạnh không thể phủ nhận nỗ lực tăng lương cơ sở 30% của năm nay. Tuy nhiên, theo ông mức lương này chỉ đủ cho một cán bộ, công chức mới tuyển dụng chi tiêu hết sức tằn tiện mới đủ sống.
Theo đó, ĐB Đồng đề nghị Chính phủ cần có những đột phá về nhân lực mới gỡ được những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của đất nước.
Phát biểu tranh luận về nguồn nhân lực, ĐB Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định) cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng nghiên cứu có chính sách về dân số, trước thách thức già hóa dân số. Bởi có nguồn nhân lực tốt mới có thể giữ đà tăng trưởng 6-7% cho những năm tới và chuẩn bị kỹ để làm chủ nền công nghiệp, công nghệ cao sẽ đến trong tương lai gần.
“Trong báo cáo của Chính phủ không nêu về chính sách liên quan đến dân số, dự thảo nghị quyết cũng không nêu về vấn đề này” – ông Kim nói.
Về vấn đề tinh giản biên chế bộ máy hành chính cấp huyện, xã, đại biểu đề nghị cần "cách mạng hóa" về biên chế, bộ máy từ Trung ương đến địa phương.
“Có đồng chí Bộ trưởng nói với tôi rằng nếu Bộ tôi giảm 30-40% biên chế cũng chẳng hề hấn gì” - Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim chia sẻ và cho rằng giảm biên chế có hai tác dụng: giảm người sách nhiễu và tăng được lương người mẫn cán, cán bộ chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.