Có cần cụ thể các vấn đề trưng cầu ý dân?

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Trưng cầu ý dân chiều 3-6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tranh luận nhiều về hai vấn đề: Những vấn đề gì đưa ra trưng cầu ý dân và phạm vi trưng cầu ý dân. Đây cũng là những nội dung đang có những ý kiến trái chiều.

Vấn đề trưng cầu: Có “cứng”, có “mềm”

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng luật cần quy định cụ thể các vấn đề bắt buộc phải trưng cầu ý dân, liên quan đến quốc kế dân sinh hay lợi ích dân tộc… Ngoài ra thì có vấn đề khác sẽ thuộc thẩm quyền của QH. Nói cách khác, theo ý ĐB Đương, dự luật cần có phần “cứng” và phần “mềm” về các vấn đề trưng cầu ý dân, trong đó phần “cứng” là Hiến pháp, tuổi nghỉ hưu, gia nhập đồng tiền chung của khu vực, bỏ sử dụng tiền mặt để chống tham nhũng... “Còn những chế định lớn như BLHS, BLDS, Luật Đất đai đã lấy ý kiến dân nhưng cần trưng cầu chế định nào đó cụ thể trong luật như quyền sử dụng đất đai; hay những dự án KT-XH đặc biệt quan trọng thì có nên trưng cầu ý dân không?” - ông Đương băn khoăn.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng dự luật nên quy định tương đối cụ thể thì mới có thể đi vào cuộc sống. “Nếu nói chung chung là những vấn đề quan trọng của quốc gia thì không biết khi nào mình mới trưng cầu ý dân được?” - bà Tâm đặt vấn đề.

Đại biểu Quốc hội TP.HCM Trương Trọng Nghĩa phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết hầu hết các nước trên thế giới không quy định cụ thể các vấn đề phải trưng cầu ý dân. “Chính người Pháp khuyên mình, một đạo luật thông minh thì không nên quy định cứng những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân mà tùy thuộc từng giai đoạn lịch sử, thể chế chính trị… mà QH quyết định lựa chọn”. Ông Lưu cho biết thêm và nhấn mạnh ngay Hiến pháp 1946 cũng chỉ quy định dân phúc quyết Hiến pháp, dân phúc quyết những vấn đề hệ trọng của quốc gia.

Có được trưng cầu ở phạm vi địa phương?

Liên quan đến phạm vi trưng cầu ý dân, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng dự luật cần quy định mềm hơn. Theo đó, những vấn đề lớn ảnh hưởng đến toàn dân thì cần trưng cầu ý dân trên phạm vi toàn quốc. Còn những vấn đề liên quan đến phạm vi địa phương hay một khu vực thì cho phép trưng cầu ý dân tại khu vực đó. Tuy nhiên, một số ý kiến khác ủng hộ quy định tại dự thảo: Việc trưng cầu ý dân phải thực hiện trong phạm vi cả nước. Nói cách khác dù vấn đề chỉ liên quan đến một tỉnh, một khu vực nhưng vẫn phải được cả nước ủng hộ. Có ý kiến còn đặt giả thuyết trưng cầu việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, nếu chỉ trưng cầu trong phạm vi địa phương thì nhiều khả năng người dân sẽ phản đối nhưng nếu trưng cầu toàn quốc thì kết quả lại khác…

Ở những nội dung thảo luận khác, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề xuất dự luật bổ sung nguyên tắc: Nếu những kết quả trưng cầu ý dân mà xâm hại đến toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia thì vô hiệu.

Trưng cầu ý dân phải thành tập quán

Trưng cầu ý dân mang tính dân chủ trực tiếp, đòi hỏi phải biến thành tập quán, thói quen của xã hội chứ không phải là dân trí cao cấp.

Người dân chịu trách nhiệm trước quyết định của mình và Nhà nước chỉ kiến tạo để người dân thực hiện. Tuy nhiên, việc trưng cầu ý dân cũng cần phải có lộ trình chứ không cẩn thận, bị lôi cuốn khác nhau mang lại tác hại.

ĐB DƯƠNG TRUNG QUỐC (Đồng Nai)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm