Trình QH dự thảo luật trưng cầu ý dân: Dân đã quyết là có hiệu lực

Theo dự thảo này, QH sẽ quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp hoặc về những vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu QH.

Theo dự thảo, một cuộc trưng cầu ý dân được coi là hợp lệ khi có quá 1/2 cử tri tham gia, đồng thời thêm một phương án bổ sung là trên 2/3 cử tri - với trưng cầu ý dân về Hiến pháp. Nhưng Ủy ban Pháp luật trong báo cáo thẩm tra cho rằng chỉ nên quy định chung một mức là quá bán.

Trong thảo luận ở Ủy ban Thường vụ QH, có ý kiến cho rằng kết quả trưng cầu ý dân phải được QH ra nghị quyết xác nhận. Tuy nhiên, dự thảo trình QH không tiếp thu ý kiến này, mà cho rằng cái gì dân đã lựa chọn, quyết định theo ý chí của họ thì Nhà nước phải tôn trọng, thực hiện, không đòi hỏi thêm thủ tục QH biểu quyết xác nhận nữa.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - TS Lê Minh Thông cho rằng dự luật này khi được ban hành sẽ có giá trị như một tuyên ngôn chính trị-pháp lý. “Khó có thể nói khi nào luật này mới được áp dụng trên thực tế và tới đây có vấn đề cụ thể gì sẽ được đưa ra trưng cầu ý dân. Nhưng luật ban hành ra sẽ là một cơ sở pháp lý để dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của mình” - ông bình luận.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm