Có cần quy định quyền miễn trừ của thẩm phán?

(PLO)- Thẩm phán là một công chức bình thường, chỉ mang yếu tố quyền lực khi thi hành công vụ, do đó không nên có quy định về quyền đặc thù.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND dự kiến đưa vào quy định về quyền miễn trừ của thẩm phán TAND.

Không nên quy định đặc thù cho công chức tòa án

Hiện nay, Luật Tổ chức Quốc hội (QH) có quy định liên quan đến quyền miễn trừ của đại biểu (ĐB) QH. Tuy nhiên, cần lưu ý ĐBQH do cử tri bầu ra, đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của cử tri tại địa phương và cử tri của cả nước.

Do đó, tư cách của ĐBQH hiện diện trong tất cả quan hệ hằng ngày. Tức khi không họp thì ĐBQH vẫn là ĐBQH. Bởi lẽ khi tiếp xúc với người dân, với cử tri thì không nhất thiết ĐBQH phải tiếp xúc tại kỳ họp QH. ĐBQH còn tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, sau kỳ họp. Gặp người dân ở bất kỳ đâu thì ĐBQH đều có tư cách ĐBQH.

Theo dự kiến, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND sẽ quy định về quyền miễn trừ của thẩm phán. Ảnh: HG

Theo dự kiến, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND sẽ quy định về quyền miễn trừ của thẩm phán. Ảnh: HG

Trong khi đó, thẩm phán là một công chức bình thường, chỉ mang yếu tố quyền lực khi thi hành công vụ. Khi thẩm phán đi làm, ngồi phiên tòa, phiên họp thì họ mới được trang bị yếu tố công vụ. Nếu đặt thẩm phán ngoài bối cảnh này thì họ chỉ là người dân bình thường. Nếu ai đó tấn công thẩm phán khi thẩm phán đang thực hiện nhiệm vụ thì mới bị gọi là chống người thi hành công vụ; còn nếu thẩm phán ở ngoài môi trường công việc mà bị tấn công thì người tấn công không bị xem là chống người thi hành công vụ.

Chúng ta thấy Điều 48 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thẩm phán chủ tọa phiên tòa mới được quyền xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, nếu là thẩm phán đang thực thi nhiệm vụ được giao thì mới phát sinh quyền hạn cụ thể.

Ngân sách có nguy cơ bị hao hụt

Quy định "Được miễn trừ trách nhiệm khi ban hành bản án, quyết định theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định nhưng có sai sót không phải do lỗi cố ý" cũng không thật sự hợp lý vì không thống nhất với các quy định khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, khi Toà án ban hành bản án, quyết định có sai sót, gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Sau đó những người trực tiếp ban hành bản án, quyết định sai sót, gây thiệt hại như Thẩm phán có nghĩa vụ hoàn trả cho nhà nước.

Như vậy, khi ban hành quyết định tư pháp trái pháp luật mà có lỗi cho dù là cố ý hay vô ý thì đều phải bồi thường, hoàn trả. Quy định dự kiến trong Dự thảo miễn trừ cho người ban hành quyết định, bản án sai sót với lỗi vô ý thì ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường, hoàn trả?

Ban hành quyết định, bản án sai sót với lỗi vô ý mà không bồi thường cho người bị thiệt hại thì không công bằng, mà bồi thường xong lại không được hoàn trả do được miễn trừ trách nhiệm thì ngân sách nhà nước lại bị hao hụt. Điều này là không phù hợp với các quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

TS CAO VŨ MINH

Hai tư cách khác nhau, ĐBQH do người dân bầu và trao quyền; còn thẩm phán đã được trang bị quyền lực rồi và phải thực thi quyền lực, không có yếu tố được miễn trừ.

Dự kiến đưa quy định về quyền miễn trừ của thẩm phán vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND là học theo Điều 37 Luật Tổ chức QH về quyền miễn trừ của ĐBQH. Tuy nhiên, việc đồng nhất công chức với ĐBQH là không ổn; đó là chưa kể còn có thể mở đường cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác cũng đòi quyền lợi đặc thù như vậy.

Chánh án không phải cấp trên của viện trưởng

Dự thảo dự kiến đưa vào quy định “Không được bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của thẩm phán TAND Tối cao nếu không có sự đồng ý của Hội đồng Tư pháp quốc gia”.

Đối chiếu với quy định của Điều 37 Luật Tổ chức QH thì bắt ĐBQH phải được sự đồng ý của QH hoặc Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH (khi QH không họp). Quy định vậy vì QH và UBTVQH là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan thường trực của quyền lực tối cao.

Công chức thông thường dĩ nhiên không thể ngang với ĐBQH và Hội đồng Tư pháp quốc gia không thể ngang với QH, UBTVQH. Do đó, nếu quy định này được thông qua thì rất khiên cưỡng.

Ngoài ra, dự thảo dự kiến quy định “Việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của thẩm phán TAND Tối cao thuộc thẩm quyền của Viện trưởng VKSND Tối cao. Không được bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của thẩm phán, thẩm phán dự bị nếu không có sự đồng ý của Chánh án TAND Tối cao”.

Đối chiếu với Điều 37 Luật Tổ chức QH thì “Không được bắt, giam, giữ, khởi tố ĐBQH, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ĐBQH nếu không có sự đồng ý của QH hoặc UBTVQH… Việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ĐBQH thuộc thẩm quyền của Viện trưởng VKSND Tối cao”.

QH có vị trí pháp lý cao hơn Viện trưởng VKSND Tối cao. Tuy nhiên, dự thảo lại dự kiến giữ nguyên quyền đề nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, đồng thời bổ sung “phải có sự đồng ý của Chánh án TAND Tối cao”. Quy định như vậy là đi ngược lại nguyên tắc VKS thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Bởi lẽ chánh án không phải cấp trên của viện trưởng.

Không công bằng với những công chức, viên chức khác

Nếu quy định việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của thẩm phán TAND Tối cao phải thông qua Hội đồng Tư pháp quốc gia thì chúng ta đã tạo ra một tổ chức riêng biệt.

Nó sẽ xung đột với nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật mà cả hiến pháp, BLHS, BLTTHS đều đã quy định: Một người phạm tội dù xuất phát từ vị trí nào, ngành nghề nào, thành phần, địa vị nào… đều không phân biệt, phạm tội thì phải gánh chịu trách nhiệm hình sự như nhau.

Nếu bổ sung quy định trên sẽ kéo theo việc sửa hàng loạt văn bản pháp luật khác. Quy định này còn tạo ra tiền lệ cho các ngành nghề khác. Ví dụ như ngành điều tra khi đấu tranh với tội phạm cũng rất nguy hiểm, cũng có thể xảy ra các sai phạm, họ cũng muốn có các đặc quyền như vậy. Lúc này, không lẽ chúng ta phải xây dựng một quy định tương tự như thẩm phán.

Quy định này không công bằng với mọi công dân nói chung và những công chức, viên chức khác nói riêng; trái với mong muốn xây dựng một xã hội công bằng.

ThS VÕ VĂN TÀI, Phó khoa Kiểm sát hình sự Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM

(CHÂU YẾN ghi)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm