Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, TAND Tối cao dự kiến đưa vào một quy định mới là quyền miễn trừ của thẩm phán TAND (Điều 110).
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia bày tỏ sự băn khoăn nếu chế định mới này được thông qua.
Cần xem lại tính hợp lý của quy định
Đối với quy định “không được bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của thẩm phán TAND Tối cao nếu không có sự đồng ý của Hội đồng Tư pháp quốc gia”, TS Phan Anh Tuấn, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, bày tỏ lo ngại về tính hợp lý của quy định này.
Theo dự kiến, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND sẽ quy định về quyền miễn trừ của thẩm phán. Ảnh: HỮU ĐĂNG |
Mâu thuẫn với địa vị pháp lý so với các công chức khác
Khoản 2 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của TAND, quyết định hoặc phê chuẩn của VKSND, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định”.
Với các quy định về quyền miễn trừ như dự thảo sẽ dẫn đến việc mâu thuẫn với quyền của tòa án và VKSND các cấp trong việc bắt người theo quy định của Điều 20 hiến pháp. Hiến pháp không cho phép chánh án TAND có quyền như dự thảo.
Hơn nữa thẩm phán cũng là công chức nhà nước nên việc quy định nêu trên sẽ dẫn đến mâu thuẫn với địa vị pháp lý so với các công chức nhà nước khác, vi phạm nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
TS PHAN ANH TUẤN
TS Tuấn phân tích: Theo Hiến pháp 2013, Chánh án TAND Tối cao trình Quốc hội (QH) phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao và căn cứ nghị quyết của QH, Chủ tịch nước ra quyết định bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao.
Do đó để xem xét các quy định về quyền miễn trừ của thẩm phán TAND Tối cao như dự thảo có hợp lý hay không, chúng ta cần phải xem xét sự tương đương về miễn trừ với các chức danh khác do QH phê chuẩn.
Cụ thể, khoản 7 Điều 70 Hiến pháp 2013 quy định QH có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: “Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, phó chủ tịch nước, Chủ tịch QH, phó chủ tịch QH, Thủ tướng, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao…; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức phó thủ tướng, bộ trưởng, thẩm phán TAND Tối cao…”.
Khi so sánh tương đương thì câu hỏi đặt ra là “nếu các chức danh phó thủ tướng, bộ trưởng… mà không phải là đại biểu (ĐB) QH thì có được các quyền miễn trừ tương tự như thẩm phán TAND Tối cao hay không?”.
Chẳng hạn, Chính phủ cũng sẽ xây dựng quy định tương tự “không được bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của bộ trưởng (không là ĐBQH) nếu không có sự đồng ý của Chính phủ”. Rõ ràng quy định này nếu có là không hợp lý.
Điều 81 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Không được bắt, giam, giữ, khởi tố ĐBQH nếu không có sự đồng ý của QH, ủy ban thường vụ (UBTVQH)…; trong trường hợp ĐBQH phạm tội quả tang mà bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để QH hoặc UBTVQH xem xét, quyết định”.
“Có lẽ ban soạn thảo đã dựa vào quyền miễn trừ của ĐBQH để xây dựng quyền miễn trừ của thẩm phán TAND Tối cao. Tuy nhiên, thẩm phán TAND Tối cao không phải là ĐBQH và Hội đồng Tư pháp Quốc gia (chưa được quy định trong hiến pháp) không phải là QH hoặc UBTVQH. Do đó việc quy định như dự thảo là không đúng quy định của hiến pháp” - TS Phan Anh Tuấn nói.
Miễn trừ trách nhiệm tạo ra bất bình đẳng
Theo TS Tuấn, với quy định điều khoản miễn trừ trách nhiệm tại khoản 4 Điều 110, cần lưu ý đặc điểm của bộ máy nhà nước ta được thiết kế dựa trên nguyên tắc “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013).
Do đó việc quy định các đặc quyền riêng cho công chức ngành tòa án là không đúng với bản chất của Nhà nước XHCN Việt Nam - bảo vệ lợi ích của đa số người dân (công chức, viên chức, người lao động…) trong xã hội.
Bổ sung, ThS Võ Văn Tài, Phó khoa Kiểm sát hình sự Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM, phân tích: Nguyên tắc bình đẳng trong dân sự là mọi người khi tham gia vào một quan hệ pháp luật nếu có hành vi sai dẫn đến thiệt hại thì phải bồi thường. Còn khi một hành vi gây thiệt hại cho người khác mà có dấu hiệu của tội phạm thì bên cạnh việc xử lý về hình sự còn phải buộc người phạm tội bồi thường. Vậy quy định miễn trách nhiệm là miễn trừ gì, có bao gồm miễn trừ trách nhiệm bồi thường hay không?
Trong khi BLHS có quy định về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360) hoặc tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (Điều 180). Điều luật không loại trừ ai nên nếu thẩm phán thiếu trách nhiệm hay vô ý gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm. Nếu quy định như dự thảo thì chẳng khác nào thẩm phán được ngoại lệ là không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo ThS Tài, quy định này còn mâu thuẫn với quy định về kỷ luật, về bồi thường trong tố tụng hình sự theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Luật này quy định cơ quan nào gây thiệt hại cho người dân trong quá trình thực hiện công vụ, trong quá trình tiến hành tố tụng thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Và người trực tiếp làm sai tùy mức độ sẽ bị kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể bị khấu trừ thu nhập để bồi thường cho thiệt hại gây ra.
“Quy định như Điều 110 dự thảo luật xung đột với nhiều quy định khác, dẫn đến sửa hàng loạt các đạo luật khác và đồng thời làm cho xã hội bất bình đẳng” - ThS Tài nói.
Trái nguyên tắc đấu tranh, phòng, chống tội phạm
Về quy định thẩm phán TAND bị tạm giữ vì phạm tội quả tang phải thông báo cho Chánh án TAND Tối cao xem xét, quyết định, vậy xem xét hay quyết định vấn đề gì?
Quy định này xung đột với hai đạo luật cơ bản trong hình sự là BLHS và BLTTHS. Bởi hành vi phạm tội của thẩm phán đã bị bắt quả tang, về nguyên tắc hình sự, trách nhiệm của cơ quan điều tra và VKS ngay cả tòa án khi phát hiện một hành vi phạm tội phải khởi tố để tạo điều kiện cho việc điều tra, truy tố xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.
Quy định này trái với nguyên tắc đấu tranh, phòng, chống tội phạm là phải nhanh chóng, kịp thời để thu giữ các tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm để xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
ThS VÕ VĂN TÀI, Phó khoa Kiểm sát hình sự
Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM